Từ 23-25/5, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và là chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ thứ ba tới Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995, sau chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton năm 1998 và Tổng thống George W. Bush năm 2006.
Theo dõi lịch trình làm việc dày đặc của Tổng thống Obama khi đến thăm Việt Nam, PGS.TS Phạm Xanh (Khoa Lịch sử - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐHQG Hà Nội) rất ấn tượng về những tình cảm tốt đẹp mà ông đã dành cho người dân Việt Nam.
Theo PGS.TS Phạm Xanh, trong chuyến thăm này, Tổng thống Barack Obama ngoài những nghi thức không thể thiếu như hội đàm, họp báo quốc tế, hội kiến với Tổng Bí thư, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hôi, ông còn thăm nhà sàn - nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một bước tiến so với hai Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush khi đến thăm Việt Nam trước đây. PGS.TS Phạm Xanh cho rằng, đó còn là văn hóa ứng xử logic của Tổng thống Obama sau khi mời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Hoa Kỳ tháng 7 năm ngoái.
Phó Giáo sư cũng rất thích bài nói chuyện về quan hệ Mỹ-Việt vào trưa 24/5 của Tổng thống Obama. Trong hơn 30 phút đó, Tổng thống đã tỏ ra là người khá am hiểu lịch sử và văn hóa Việt Nam, công khai nói về những thành quả của quan hệ hai nước và những lĩnh vực Việt Nam cần nỗ lực hơn như quyền con người, tự do báo chí...
Không quá ngạc nhiên khi chứng kiến hàng ngàn người dân xếp hàng dài trên các tuyến phố Hà Nội và TPHCM để chào đón Tổng thống Obama, PGS.TS Phạm Xanh lý giải rằng sự chào đón nồng hậu và ấm áp tự nhiên đó thể hiện bản tính con người Việt Nam ta cao thượng, vô tư...
“Lúc nào cũng có những người hâm mộ Việt Nam túc trực trước khách sạn Marriott ở phố Đỗ Đức Dục để được chiêm ngưỡng và may ra được nắm tay Tổng thống Hoa Kỳ. Tôi cứ tưởng tượng nếu ông Obama đến Việt Nam vào ban ngày thì cảnh tượng đón ông sẽ hoành tráng biết chừng nào”, Phó Giáo sư chia sẻ.
Trong cuộc họp ngày 23/5 tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã chính thức tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, qua đó giúp bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước. PGS.TS Phạm Xanh cho rằng, đây là món quà vô giá mà Tổng thống Hoa Kỳ đã dành tặng nhân dân Việt Nam. “Điều đó có nghĩa là quan hệ Việt Nam -Hoa Kỳ đã được đạt tới mức hoàn toàn, đầy đủ. Và như vậy, trong tương lại gần và xa, quan hệ hai nước sẽ phát triển hết năng lực vốn có của nó. Với Việt Nam, tương lai đang rộng mở. Cảm ơn Tổng thống Barack Obama và nhân dân Hoa Kỳ”, ông Phạm Xanh nói.
Những hình ảnh đẹp về Tổng thống Obama trong ngày thứ hai ở Việt Nam
Là một người lính từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, hơn ai hết, ông Dương Đình Thảo (ở Tương Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) hiểu được giá trị của hòa bình. Theo ông, hơn 20 năm trước, Việt Nam và Mỹ từng là cựu thù, nhưng hơn 20 năm sau, hai bên đã ngồi lại với nhau, làm bạn với nhau, giúp nhau phát triển và cùng nhau bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định, luật pháp quốc tế và trật tự ở Biển Đông là điều vô cùng quý giá.
Chiến tranh đã lùi xa, quan hệ hai nước đã bước sang trang mới, song thẳm sâu trong tâm tư của cựu chiến binh già là nỗi đau chiến tranh, với chất độc da cam/dioxin, bom mìn chưa nổ vẫn còn đó. Ông Thảo luôn cảm thấy cám cảnh, đau xót và không thôi day dứt về hình ảnh những đứa con tật nguyền mang di chứng nặng nề chất độc da cam của những người đồng đội cùng vào sinh ra tử. Qua chuyến thăm Việt Nam lần này, ông hy vọng Tổng thống Obama sẽ giải quyết được nỗi đau chiến tranh.
“Qua chuyến thăm Việt Nam lần này, tôi muốn Tổng thống Obama phải giải quyết được hậu quả chiến tranh, phải có những đền bù cho những cựu chiến binh và gia đình của họ, những người bị các bệnh do phơi nhiễm chất độc da cam”, ông Dương Đình Thảo cho biết.
Phạm Hà Thu (Sinh viên ĐH Ngoại thương, Hà Nội) cho biết, trước đấy biết tới Ngài Obama là Tổng thống một cường quốc hàng đầu thế giới. Song, mấy ngày nay, qua các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về chuyến thăm chính thức của Tổng thống Obama tới Việt Nam, Hà Thu nhận ra ông còn rất giản dị, gần gũi.
Điều khiến Hà Thu cảm phục nhất ở ông Obama là sự hiểu biết về lịch sử Việt Nam khi nhắc nhiều đến các nhân vật lịch sử như Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Nguyễn Du, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khi thế hệ trẻ như Thu không phải ai cũng làm được điều này.
Là sinh viên ngành kinh tế đối ngoại, điều Hà Thu cảm thấy vui là hiện nay Việt Nam và Hoa Kỳ có quan hệ hợp tác kinh tế tốt. Mỹ cam kết giúp Việt Nam phát huy tiềm lực của nền kinh tế thông qua Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. TPP sẽ giúp Việt Nam bán nhiều sản phẩm hơn ra thế giới, đồng thời thu hút về nhiều vốn đầu tư.
Hà Thu cho biết cô đặc biệt phấn khích khi nghe Tổng thống Obama khích lệ các bạn trẻ: “Tôi tin là thế hệ trẻ Việt Nam, nhiều người đang ngồi đây, đã sẵn sàng ghi dấu của mình trên thế giới. Với tài năng, trí thông minh và ước mơ của các bạn, Việt Nam có trong tay mọi điều cần để vươn lên. Vận mệnh nằm trong tay các bạn, và nếu các bạn quyết định theo đuổi mục đích của mình, nước Mỹ luôn ở bên làm đối tác, bằng hữu của các bạn”.
“Bản thân em sau khi nghe được câu nói này cảm thấy rất vui và có nhiều động lực. Ngài Tổng thống có nhắc đến những người Mỹ gốc Việt đã thành công trên mọi lĩnh vực, nhưng hiện nay đã trở về quê hương để giúp đồng bào mình. Câu chuyện khiến em xúc động và em nghĩ sau này khi thực hiện xong ước mơ du học sẽ đem kiến thức cũng như kinh nghiệm thực tế ở Mỹ về Việt Nam giúp ích cho đất nước”, Phạm Hà Thu nhấn mạnh./.