Sáng 24/4, tại TP HCM,  Hội  đồng Dân tộc Quốc hội tiếp tục họp phiên toàn thể lần thứ 6.  Các đại biểu tập trung thảo luận dự án Luật Việc làm, dự án Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi. 

Dự án Luật việc làm có 61 điều, các đại biểu cho rằng, các điều khoản này có nhiều điều chồng chéo, cấu trúc chưa rõ, cần điều chỉnh và sắp xếp lại hợp lý và khoa học hơn.

Về "việc làm công", nhiều đại biểu cho rằng, nội dung điều 14 quy định UBND xã có trách nhiệm phối hợp với các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương là chưa khả thi. Còn về việc hỗ trợ người lao động đi xuất khẩu lao động, Điều 12 của luật chưa quy định rõ ràng cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Về việc sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng, luật nên quy định rõ ràng hơn việc sử dụng quỹ này để tránh thất thoát và lạm dụng. Nhiều đại biểu nhất trí cao về các vấn đề như đào tạo nghề, giải việc làm ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xuất khẩu lao động, việc đóng và sử dụng qũy bảo hiểm thất nghiệp được quy định rõ ràng trong luật.

Ông Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết: “Các đại biểu rất đồng ý với việc ban hành Luật việc làm này. Các đại biểu rất quan tâm đến nhóm yếu thế là lao động nông thôn, quy định quy trách nhiệm những doanh nghiệp sử dụng lao động. Vấn đề các đại biểu quan tâm là dạy nghề làm sao có hiệu quả, có cơ hội việc làm, nhất là dân tộc thiểu số…”.

Về dự thảo Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi, các đại biểu cho rằng: Luật nên nghiêm cấm việc nhân bản con người. Điều 5 của luật nên sửa lại là: Nguyên tắc hoạt động nghiên cứu khoa học nên gắn với nhu cầu thực tiễn cuộc sống.

Điều 6 của luật nên sửa nội dung: “Nhà nước tạo điều kiện nghiên cứu khoa học thành Nhà nước xây dựng và phát triển thị trường khoa học công nghệ và nên quy định nhà nước hỗ trợ kinh phí phát triển khoa học công nghệ ở vùng đặc biệt khó khăn là 100%” ./.