Sáng 21/2, tại Hà Nội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 5, góp ý cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại phiên họp, nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là vấn đề dân tộc và công tác dân tộc. Cụ thể là các điều quy định về quyền xác định dân tộc, quyền bảo tồn phát huy và phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, quyền quyết định chính sách dân tộc của Quốc hội và những quy định bổ sung, sửa đổi về chức năng quyền hạn của Hội đồng dân tộc…
Về điều 5 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ông Lù Văn Que, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, nên xác định nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc, bỏ cụm từ “cùng sinh sống trên đất nước”. Vì có như vậy mới bao hàm được cả những người có Quốc tịch Việt Nam nhưng hiện đang sinh sống ở nước ngoài.
Ông Lù Văn Que nói:“Tôi đề nghị, mở đầu điều 5 của Hiến pháp phải xác định: Việt Nam là nước đa dân tộc, vấn đề dân tộc và đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược lớn và lâu dài. Có xác định và thể chế như trong hiến pháp mới hợp lòng dân, mới tạo được sự thống nhất từ Đảng đến toàn dân về nhận thức và hành động đúng tầm của vấn đề này. Hòa giải và hòa hợp, đoàn kết được các dân tộc, các tôn giáo là chìa khóa để ổn định và phát triển đất nước”.
Điều 45 Dự thảo quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”. Theo một số đại biểu, cần sửa là “Mọi người có quyền xác định dân tộc của mình theo tiêu chí dân tộc”. Về những quy định sửa đổi bổ sung chức năng, quyền hạn của Hội đồng Dân tộc, một số ý kiến cho rằng cần phải khẳng định Hội đồng Dân tộc là cơ quan của Quốc hội, đại diện cho tất cả các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
Các đại biểu cũng đề nghị, phải đề cao trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các chính sách về dân tộc và tạo điều kiện để các dân tộc cùng phát triển./.