Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 dành một chương đề cập đến chính quyền địa phương. Trong Dự thảo lần này, mô hình chính quyền địa phương không có nhiều thay đổi so với hiện nay. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, chính quyền địa phương cần được phân cấp, phân quyền nhiều hơn, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thế giới có nhiều mô hình về quyền lực Nhà nước Trung ương và quyền lực Nhà nước ở địa phương. Có những mô hình tập trung quyền lực ở Nhà nước Trung ương, có những mô hình phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương.

Theo GS.TS. Nguyễn Viết Thảo- Phó Giám đốc Học viện Chính trị, Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, mô hình hiện đại nhất bây giờ là phân quyền, ủy quyền. Điều đó không có nghĩa là Nhà nước Trung ương mất quyền. Sự phân quyền, ủy quyền đó sẽ phát huy được tính  năng động, sáng tạo của địa phương.

GS.TS. Nguyến Viết Thảo nói: “Nếu tất cả đều do chính quyền Trung ương làm, làm thay cho chính quyền địa phương thì không làm nổi. Ví dụ như quyền ấn định ngân sách thu chi, hay vấn đề giáo dục văn hóa. Nước ta có nhiều vùng miền văn hóa. Chương trình giáo dục có thể chung về phần cứng nhưng mỗi vùng miền, mỗi tỉnh cũng có quyền quyết định nội dung riêng. Vấn đề cán bộ cũng vậy, rồi tổ chức bộ máy chính quyền, không thể cứ tiếp mãi tình trạng tổ chức bộ máy chính quyền Hà Nội cũng giống như tổ chức bộ máy chính quyền ở Điện Biên, Lai Châu… Tôi nghĩ rằng, một mô hình đơn nhất cho tất cả các chính quyền địa phương chắc không còn phù hợp với tình hình nước ta”.

Cần có thái độ rõ ràng trong Hiến pháp về mô hình tổ chức chính quyền địa phương. Đó là đề nghị của ông Huỳnh Nghĩa- Phó Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng. Ông Huỳnh Nghĩa cho rằng, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 không có những sửa đổi căn bản, quan trọng thể hiện quan điểm Nghị quyết 11 của Đảng về việc kiện toàn bộ máy Nhà nước, trong đó có bộ máy chính quyền địa phương. Đó là bảo đảm tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện  những chính sách trong phạm vi được phân cấp.

Theo ông Huỳnh Nghĩa, trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần có cơ chế rõ ràng về mặt pháp lý cho đúng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng ta để HĐND là cơ quan quyền lực trên thực tế, đóng vai trò quyết định cho sự phát triển của địa phương, đảm bảo quyền làm chủ của nhân dân, góp phần cho sự phát triển chung của đất nước./.