Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN từ ngày từ ngày 01/01/2020. Đây là lần thứ hai Việt Nam đảm nhiệm vai trò này với trách nhiệm và nghĩa vụ vô cùng to lớn.

vov_1_ccvj.jpg
Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.

Từ khi gia nhập ASEAN từ năm 1995 đến nay, Việt Nam luôn coi ASEAN là một trong những ưu tiên đối ngoại hàng đầu và luôn thể hiện rõ là một thành viên chủ động, tích cực trong các hoạt động hội nhập khu vực và trên toàn thế giới. Thông qua vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thể hiện được khả năng dẫn dắt và điều phối, để tất cả các nước thành viên có thể nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức. Để hiểu rõ hơn về những ưu tiên, nhiệm vụ của Việt Nam trên cương vị mới, phóng viên VOV phỏng vấn ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.

PV: Năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Vậy xin ông đánh giá những đóng góp nổi bật của Việt Nam trong ASEAN thời gian qua?

Ông Vũ Hồ:Ngay từ đầu Việt Nam đã thể hiện tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm của mình trong hội nhập khu vực, không chỉ thời điểm năm 1995, mà trước đó vào năm 1993, Việt Nam luôn mong muốn gia nhập ASEAN. Điều này được thể hiện qua một số nội dung sau:

Thứ nhất, Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên chủ động đề cập tới việc sẽ tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) năm 1993.

Tiếp đến, khi chính thức gia nhập và trở thành thành viên của ASEAN từ ngày ngày 28/7/1995, thì dấu ấn của Việt Nam đã trải dài suốt từ năm 1995 tới nay, trong tất cả các bước tiến của ASEAN. Bước tiến đầu tiên là việc ASEAN trở thành hiệp hội 10 nước Đông Nam Á. Bước tiến thứ 2, Việt Nam là một trong những quốc gia thúc đẩy việc thành lập khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), tiếp đến ký kết Hiệp định về Chương trình thuế quan ưu đãi có hiệu lực chung (CEPT).

Về mặt chính trị, an ninh, Việt Nam luôn thúc đẩy xu thế đối thoại và hợp tác giữa các nước trong khu vực, giải quyết tất cả những bất đồng, những tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế. Việt Nam là một trong những thành viên đầu tiên tham gia thành lập Diễn đàn khu vực của ASEAN (ARF) năm 1994.

Dấu ấn của Việt Nam cũng thể hiện trong quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài. Việt Nam là 1 trong những nước đầu tiên soạn thảo và ký kết Hiệp ước về Khu vực Đông Nam Á không có Vũ khí Hạt nhân năm 1995. Trong quan hệ với các đối tác cụ thể như Trung Quốc, đóng góp của Việt Nam rất rõ ràng. Việt Nam có quan điểm khác biệt với Trung Quốc về các vấn đề trên biển nhưng cũng sẵn sàng cùng ASEAN và Trung Quốc thông qua Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) vào năm 2002.

Dù mới gia nhập ASEAN vào năm 1995 nhưng năm 1998 Việt Nam đã đăng cai hội nghị cấp cao ASEAN, hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) khóa 34 và ARF, đặc biệt khi đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã ghi rất nhiều dấu ấn rất đậm nét. Việt Nam đã tham gia hết sức chủ động, tích cực vào hợp tác của ASEAN, với tinh thần, trách nhiệm cao, đóng góp cho cộng đồng, hỗ trợ để cộng đồng ASEAN phát triển và mở rộng quan hệ với đối tác nước ngoài.

Chúng tôi hy vọng năm 2020, tinh thần chủ động, tích cực này sẽ được nâng cao hơn nữa, trở thành điểm nhấn không chỉ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam mà còn chính sách đối ngoại của ASEAN, bảo đảm hình ảnh, vai trò và vị thế của ASEAN trên trường quốc tế. Đây cũng là nhiệm vụ của Việt Nam với vai trò kép là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Lãnh đạo các nước dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 tại Singapore. Ảnh: Reuters.

PV: Là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng một Hiệp hội ASEAN đoàn kết, vững mạnh và thống nhất. Thưa ông, trong năm Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có những ưu tiên cụ thể nào để tiếp tục xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh?

Ông Vũ Hồ: Tháng 11 vừa qua, Việt Nam đã tiếp nhận vai trò chủ tịch của ASEAN, mặc dù theo quy định của hiến chương, vai trò Chủ tịch này sẽ khởi đầu vào ngày 1/1/2020. Ưu tiên của Việt Nam đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo với các nước ASEAN và được các nước bạn rất ủng hộ.

Ưu tiên này trải rộng trên một số lĩnh vực chính: thứ nhất là thúc đẩy đoàn kết trong khối ASEAN, đó là lý do chúng ta chọn chủ đề của ASEAN 2020 là “gắn kết và chủ động thích ứng”.  Gắn kết được thể hiện trên 3 mặt là tăng cường thúc đẩy xây dựng cộng đồng, triển khai xây dựng cộng đồng ASEAN đến năm 2025 dựa trên sự đoàn kết, thống nhất và nâng cao vai trò trung tâm của ASEAN trong tất cả các tiến trình trong khu vực, trước tất cả thách thức từ bên trong lẫn bên ngoài.

Ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN còn bao gồm: xây dựng cộng đồng, thúc đẩy kinh tế, nâng cao an sinh xã hội, ưu tiên của người dân, sắp xếp lại hoạt động của các cơ chế hay diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt.

Cuối cùng, mở rộng đối thoại và quan hệ của ASEAN với các đối tác bên ngoài, từ đó đưa ASEAN trở thành lực lượng chủ đạo, giữ vai trò trung tâm trong  khu vực, cùng cộng đồng quốc tế ứng phó hiệu quả với những thách thức đang đặt ra.

ASEAN đã phát triển trong suốt thời gian năm qua, từ 1 tổ chức ban đầu còn gắn kết lỏng lẻo đã trở thành một khối vững chắc, hoạt động hiệu quả. Có rất nhiều cơ chế do ASEAN dẫn dắt ngày càng phát huy hiệu quả, được tổ chức khoa học hơn, phù hợp với yêu cầu của thời đại. Chúng ta có thể thấy rằng ASEAN là một khối nằm ở trung tâm của tất cả những diễn biến và sự phát triển đang xảy ra trong khu vực và trên thế giới, trong đó có cả những thuận lợi và thách thức mà khu vực đang phải đối mặt.

PV: Vấn đề Biển Đông đã nổi lên mạnh mẽ tại các hội nghị cấp cao của ASEAN thời gian gần đây. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiệm vụ tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông có thể trở thành thách thức lớn đối với Việt Nam khi chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Ông Vũ Hồ: Tất cả những gì xảy ra trên thực địa đều ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do lưu thông trong khu vực và trên Biển Đông. Tự do hàng hải và hàng không trong khuôn khổ luật pháp quốc tế là những quy định chung, là giá trị phổ quát không thể thay đổi. Mỗi quốc gia dù lớn, dù nhỏ, dù quân đội mạnh đến đâu thì đều phải có nghĩa vụ đóng góp cho hòa bình, ổn định.

Tiếp đến chúng ta nên nhìn nhận một sự thật, là đang có những tranh chấp trên biển. Mỗi quốc gia, trong quan hệ quốc tế đều có những khác biệt, đều có những tranh chấp không thể tránh khỏi. Để giải quyết các tranh chấp chúng ta có các phương thức hòa bình, hiệp ước hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, chẳng hạn như UNCLOS năm 1982. Mọi hành xử cần phải tuân theo nguyên tắc và luật pháp quốc tế.

Khu vực Biển Đông có những quy định riêng, có những yêu cầu riêng. Quy định đó dựa trên những giá trị chuẩn mực đã được cả thể giới công nhận chẳng hạn như DOC. Đó là điều chúng ta phải tôn trọng và thực hiện trong khi đang chờ đợi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông (COC).

Quy tắc ứng xử trên Biển Đông là gì? Đây là sự đóng góp của tất cả các bên cho 1 trật tự khu vực, đó là đóng góp thực chất cho 1 luật lệ trong khu vực, nhưng nó phải dựa trên luật pháp quốc tế và được cộng đồng quốc tế ủng hộ chứ không phải là 1 nhóm nước hay một vài nước đứng ra lập riêng. Đó là bản chất của COC.

Trong khi đang chờ đợi đàm phán COC, chúng ta có rất nhiều thách thức đang diễn ra trên biển như ngư dân gặp nạn, những khó khăn về nghề cá, môi trường biển bị ô nhiễm… Những thách thức này đòi hỏi chúng ta phải có cách hành xử đúng đắn, phối hợp với các bên liên quan để cùng nhau giải quyết.

Ngoài ra có những điểm mà Việt Nam cũng như các nước trong khu vực không thể chấp nhận được, đó là hành vi quân sự hóa Biển Đông hay hoạt động xây dựng, tôn tạo, bồi đắp gây ảnh hưởng lớn đến môi trường biển. Tiếp đến, nên phân định rạch ròi đâu là tranh chấp song phương, đâu là tranh chấp đa phương và có cách ứng xử đúng với tinh thần thế kỷ 21 là tích cực, chủ động và có trách nhiệm.

Nhận thức của chúng ta trong 25 năm tham gia ASEAN rõ ràng khác với nhận thức trong thời kỳ chiến tranh Lạnh. Trong câu chuyện Biển Đông, chúng ta có nhận thức hoàn toàn khác so với thời kỳ chiến tranh Lạnh: là có đối thoại, có hợp tác, có trao đổi, và thống nhất chứ không còn là đối đầu, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Đó là khác biệt về chất không thể đo đếm được./.

PV: Xin cảm ơn ông!