Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013” diễn ra sáng nay (11/6) tại Hà Nội. 

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam), trước đây khi nói đến đại diện thì chỉ nói đến các cơ quan dân cử. Người dân thực hiện quyền lực nhà nước của mình thông qua cơ quan dân cử, Hội đồng Nhân dân các cấp và Quốc hội. Lần này, quy định Mặt trận là một chủ thể đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của dân.   

tran_ngoc_duong_hesy.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

Từ nhận thức mới này, MTTQ các cấp 5 năm qua đã thể hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm trong việc đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân thông qua hoạt động tổ chức tiếp xúc cử tri và tập hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân để phản ánh kịp thời với Đảng và Nhà nước.

Các báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân của MTTQ trước Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp đã thể hiện đầy đủ, toàn diện và sâu sắc những vấn đề được cử tri và nhân dân quan tâm, đồng thời thể hiện rõ quan điểm của MTTQ bằng các kiến nghị cụ thể đến Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các cấp.

Tuy nhiên Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Đường cũng cho rằng, còn nhiều hạn chế, nhất là cấp cơ sở, chưa phát huy tốt vai trò giám sát của nhân dân ngay tại cộng đồng dân cư. Tại một số địa bàn, MTTQ chưa thể hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc, xử lý các kiến nghị sau giám sát chưa kịp thời. Một số Ủy ban MTTQ cấp huyện, xã chưa xây dựng được chương trình giám sát của mình mà chủ yếu tham gia giám sát theo Chương trình của Hội đồng Nhân dân.

Chủ tịch Hội Cựu thanh niên phong Vũ Trọng Kim

Công tác phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính quyền còn tập trung nhiều ở cấp trung ương và cấp tỉnh, chất lượng và hiệu quả chưa đồng đều, còn lúng túng ở một số địa phương cơ sở.

Các đại biểu cũng đánh giá, việc giám sát và phản biện xã hội đã được Hiến pháp 2013 thể chế hóa thành nhiệm vụ, quyền hạn của MTTQ. Qua đó, nhiệm vụ giám sát của MTTQ ngày càng được nhận thức sâu sắc hơn với tư cách là phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước thông qua MTTQ. 

Chủ tịch Hội Cựu thanh niên phong Vũ Trọng Kim cho rằng, MTTQ tham gia kiểm soát quyền lực nhà nước. Điều này chính là điểm mấu chốt của Nhà nước pháp quyền xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, phát huy, phát triển được hay không chính là ở chỗ quan trọng này. Đây là vấn đề rất cơ bản. Nhưng chúng ta thực hiện đến đâu, hiệu quả như thế nào cần xem xét về chất lượng, hiệu quả.

Trong khi đó, ông Đỗ Duy Thường, Nguyên Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, việc triển khai, thực hiện các Quy định của Hiến pháp về quan hệ phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và MTTQ Việt Nam để thực hiện các quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam chưa được đầy đủ, cụ thể và còn chậm.

Cụ thể, Luật MTTQ Việt Nam chỉ có 3 điều được quy định chi tiết thi hành còn hầu hết các điều khác không quy định chi tiết thi hành nên việc thực hiện Luật MTTQ còn rất hạn chế và khó thực chất và hiệu quả như: Quyền đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; hoạt động đối ngoại nhân dân; các hoạt động tham gia quản lý Nhà nước như tham gia đặc xá, tham gia tố tụng.../.