Sáng nay (16/12), tại Hà Nội, Ban liên lạc Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, thành phố Hà Nội và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kỷ niệm 55 năm Trường học sinh trên đất Bắc.

Tham dự buổi lễ có: Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; ông Phạm Quang Nghị, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và khoảng 2.000 học sinh đại diện cho 30.000 học sinh miền Nam đã từng học trên đất Bắc.

Cách đây 55 năm, Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng chỉ đạo các cấp uỷ Đảng ở miền Nam khẩn trương đưa một số con em cán bộ chiến sĩ và đồng bào miền Nam ra Bắc học tập.

Thực hiện chủ trương này, tính từ năm 1954 đến năm 1975, hệ thống Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã nuôi dạy hơn 30.000 học sinh miền Nam.

Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những ngày tháng đựoc sống trong sự chăm sóc ân cần như ruột thịt của đồng bào miền Bắc, đánh giá cao sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến lược trồng người.

Sự kiện này cũng đánh dấu một bước trưởng thành của ngành giáo dục, khẳng định tính ưu việt của nền giáo dục toàn diện, đào tạo lớp người “vừa hồng vừa chuyên”. Điều này cũng chứng minh mối quan hệ gắn bó máu thịt” Bắc, Nam thống nhất” ,”con một cha, nhà một nóc”, cùng chung cội nguồn dân tộc.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Việc thành lập hệ thống Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng. Đó không chỉ thể hiện một tầm nhìn sáng suốt mà còn thể hiện tình cảm cao quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng và nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam ruột thịt”.

35 năm đã qua, sau ngày đất nước thống nhất nhưng đến nay những bài học kinh nghiệm từ việc nuôi, dạy, đạo tạo học sinh miền Nam trên đất Bắc vẫn còn nguyên giá trị đối với ngành giáo dục và đào tạo.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng mong muốn, các thế hệ học sinh miền Nam trên đất Bắc tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đóng góp tích cực vào công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước./.