Hôm nay (28/3), trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 132 (IPU-132), Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội (NCC) bao gồm 2 phiên họp vào buổi sáng và buổi chiều. Hội nghị có sự tham gia của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury, Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.

Tại Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Hội nghị.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ vinh dự khi được Hội nghị tin tưởng, giao phó trọng trách quan trọng này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá Hội nghị Nữ nghị sĩ là không gian để các nghị sĩ gặp gỡ, trao đổi tại các kỳ Đại hội đồng và giúp tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nữ nghị sĩ và các nhóm nữ nghị sĩ.

hoi_nu_nghi_si_2_iuzs.jpgHội nghị nữ Nghị sĩ lần thứ 21

Đây cũng là diễn ra để tất cả các nữ nghị sĩ cùng nhau làm việc, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về các chủ đề mà mình quan tâm và thúc đẩy bình đẳng hợp tác nam nữ trong tất cả các lĩnh vực. Hội nghị Nữ nghị sĩ đóng vai trò quan trọng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, tăng cường sự tham gia của nữ giới trong các hoạt động và trong các tổ chức của IPU cũng như tại các nghị viện thành viên. 

Chủ tịch Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ mong muốn tại Hội nghị lần này, từ các chủ đề trong chương trình nghị sự, Hội nghị sẽ có sự trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của tất các các vị đại biểu trong việc biến các cam kết tự nguyện trở thành các quy định pháp lý mang tính bắt buộc và biến các quy định pháp luật thành thực tiễn sinh động, biến lời nói thành hành động và nữ đều có thể tiếp cận và thụ hưởng bình đẳng các kết quả của sự phát triển.

Chủ tịch Hội nghị Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ tin tưởng các vị nghị sĩ này sẽ là tác nhân quan trọng trong việc hiện thực hóa pháp luật quốc gia về bình đẳng giới về Công ước CEDAW, Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh và đạt được các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, biến Mục tiêu Phát triển bền vững thành hành động trong thời gian tới.

Thay mặt Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: Hội nghị cùng nhau nhìn lại những thành tựu đã đạt được, những đóng góp quan trọng của Hội nghị Nữ nghị sĩ. Trải qua ba thập kỷ với nhiều phương diện, cơ chế này đã và đang phát triển từng ngày cùng với IPU. Số lượng các nữ nghị sĩ tham gia với tư cách đại biểu tham gia IPU tăng lên đáng kể và các nữ nghị sĩ tham gia tích cực hơn ở các vị trí cấp cao của IPU, hình thành mạng lưới và các mối quan hệ rộng khắp với nữ nghị sĩ của các nghị viện thành viên trên toàn cầu.

Ngày càng nhiều và thường xuyên hơn các vấn đề liên quan đến phụ nữ được được đưa vào chương trình nghị sự của IPU. Các hoạt động trong khuôn khổ cơ chế này đã thúc đẩy mạnh mẽ bình đẳng giới và quan hệ đối tác giữa các nam và nữ nghị sĩ trong IPU.

Quốc hội Việt Nam đánh giá cao khi Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 lựa chọn chủ đề thảo luận về 20 năm thực hiện Tuyên bố chung và Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh, các cam kết về bình đẳng hòa bình và phát triển với 12 mục tiêu chiến lược nhằm tăng cường tiềm năng và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ trên toàn cầu. Việc thảo luận của Hội nghị lần này càng có ý nghĩa hơn khi gắn với chủ đề chung của Đại hội đồng đó là “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động” để đề xuất các kiến nghị cũng như xây dựng các mục tiêu trong phát triển tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam khẳng định bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. Hiến pháp Việt Nam và các luật bình đẳng giới đều đã ghi nhận quyền bình đẳng về mọi mặt của công dân nam và công dân nữ. Phụ nữ tham gia trong Quốc hội Việt Nam tại các khóa gần đây đều đạt khoảng 25% và Quốc hội Việt Nam phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ lệ này. Quốc hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự nghiệp bình đẳng giới của Việt Nam cũng như mục tiêu bình đẳng giới của IPU.

Phát biểu tại Hội nghị Nữ nghị sĩ, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury cho biết, thời gian qua IPU đã không ngừng khuyến khích Hội nghị Nữ nghị sĩ nỗ lực thúc đẩy, nâng cao vị thế của phụ nữ. Năm nay kỷ niệm 30 năm Hội nghị nữ Nghị sĩ và IPU-132 là cơ hội để đưa ra những sáng kiến, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ, tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị.

Chủ tịch IPU khẳng định vấn đề bình đẳng giới không phải là vấn đề của riêng nữ giới mà là của tất cả mọi người. Vì vậy, mong muốn rằng các nghị sĩ tham gia Hội nghị sữ phát huy vai trò của mình, sử dụng sức mạnh chính trị để thay đổi tư duy của mọi người.

Tại phiên thảo luận buổi sáng, Chủ tịch Hội nghị đã thúc đẩy đối thoại, trao đổi thoải mái và tích cực về các nội dung hoạt động về giới tại các Đại hội đồng IPU của Hội nghị Nữ nghị sĩ và Ủy ban Điều phối; báo cáo về hoạt động và khuyến nghị của Nhóm Đối tác về Giới; thảo luận về nội dung của Bản đồ Chính trị Nữ giới 2015 – tài liệu đồng xuất bản bởi IPU và UN WOMEN – một nghiên cứu về phụ nữ trong Nghị viện từ năm 1995 - 2015./.