Chiều nay, tại Hà Nội, diễn ra buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10 thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội được báo chí và dư luận quan tâm. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì buổi họp báo.         

bo_truong_mai_tien_dung_tra_loi_bao_chi_1_bubd.jpg
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Ảnh: VGP.

Trả lời câu hỏi của đông đảo các cơ quan báo chí xung quanh chất lượng của Dự án đường Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, việc xác định tiêu chuẩn kỹ thuật, kiểm tra chất lượng có các quy định kỹ thuật, có thí nghiệm chứng minh. Đánh giá định tính không có cơ sở xác định. Phải theo quy trình kỹ thuật thí nghiệm vật liệt đầu vào, xác suất, so sánh với thiết kế, giám sát thực hiện thi công… Chính vì vậy, với tồn tại của dự án, Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt chủ đầu tư khắc phục:

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nói: "Với tồn tại của dự án, Bộ đã chỉ đạo rất quyết liệt chủ đầu tư khắc phục, kiểm điểm trách nhiệm, cả các cơ quan bên dưới nữa. Thực tế là chúng tôi đã rà soát xem xét. Ngày 29/9/2018, theo nghị định 131, VEC sẽ được chuyển về Ủy ban quản lý vốn. Trách nhiệm từ ngày 29/9 chúng tôi sẽ phối hợp với ủy ban xử lý trách nhiệm vấn đề này”.

Đề cập đến một số quy định của Luật An ninh mạng phù hợp với thông lệ quốc tế, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết, đến nay đã có 18 quốc gia trên thế giới có văn bản luật quy định, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu quan trọng trong phạm vi lãnh thổ quốc gia, trong đó có Mỹ, Canada, Liên bang Nga, Đức, Trung Quốc…

Ngày 25/5/2018, Quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên minh châu Âu (EU) cũng chính thức có hiệu lực và cho phép công dân kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình khi tham gia các diễn đàn và mạng xã hội theo hướng có thể tra cứu, xóa bỏ thông tin cá nhân của mình và các công ty cung cấp dịch vụ phải công khai với khách hàng việc dùng thông tin cá nhân, cam kết không chuyển dữ liệu cá nhân cho bên thứ ba, nếu vi phạm thì mức phạt có thể lên tới 20 triệu euro.

Thiếu tướng Lương Tam Quang khẳng định: ”Chúng tôi khẳng định phù hợp với khả năng của doanh nghiệp và Google đã đặt khoảng 70 văn phòng đại diện, Facebook khoảng 80 văn phòng đại diện tại các quốc gia trên thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Google, Facebook đã mở văn phòng đại diện Singapore, Malaysia, Indonesia và phù hợp với hệ thống pháp luật trong nước, trong đó có Luật Thương mại năm 2005, Luật Quản lý ngoại thương năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành, quy định các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài phải lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua biên giới như Google, Facebook đang có hoạt động kinh doanh sinh lợi tại Việt Nam thuộc sự điều chỉnh của các văn bản này. Trong dự thảo Luật quản lý thuế (sửa đổi), Bộ Tài chính cũng đề nghị nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài (như Google, Facebook...) phải mở văn phòng đại diện chính thức tại Việt Nam"./.