Theo chương trình, các đại biểu sẽ xem xét và thông qua báo cáo của Hội nghị vào ngày 5/7.
Hội nghị lần này có sự tham gia của các nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, đại diện một số tổ chức quốc tế. Phía Việt Nam có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, các đại biểu Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Bùi Cách Tuyến cho rằng: Vấn đề môi trường toàn cầu đang thu hút được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế trong những thập kỷ gần đây.
Một số lượng lớn các cam kết quốc tế về môi trường đã được ký kết nhằm ứng phó với các vấn đề môi trường. Đặc biệt, sự thành lập của Nhóm công tác ASEAN về các công ước đa phương về môi trường đã cho thấy những nỗ lực to lớn và sự đồng thuận của các nước thành viên ASEAN trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và khu vực về môi trường.
Trong quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam tuy đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng trên thực tế vẫn phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học. Vì vậy, phòng ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 và Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã cung cấp khung pháp lý cần thiết cho các hoạt động bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ Việt Nam là những công cụ chính sách quan trọng, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường cấp quốc gia”.
Từ khi thành lập đến nay, Nhóm công tác ASEAN về Các công ước đa phương về môi trường đã đạt được những thành công có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên vẫn còn những chương trình chưa cụ thể nhằm thực hiện các công ước quốc tế đa phương về môi trường trong bối cảnh vẫn còn nhiều thách thức trong quá trình theo đuổi các mục tiêu về môi trường cấp quốc gia và khu vực.
Do đó, Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về các công ước đa phương về môi trường lần thứ 17 được tổ chức nhằm đánh giá tiến độ đạt được của các nước thành viên trong lần họp thứ 16 của Nhóm, đồng thời xem xét các sáng kiến đề xuất của Chủ tịch và các nước thành viên; Ban Thư ký ASEAN sẽ cập nhật các thông tin liên quan và thông báo tổng hợp về tình hình thực hiện ở cấp khu vực; đưa ra kết luận của cuộc họp lần thứ 17 và phân công tiếp tục thực hiện.
Hội nghị cũng sẽ rà soát các Hoạt động và các Sự kiện liên quan về Hóa chất: Công ước Basel về Kiểm soát việc vận chuyển xuyên biên giới các chất thải nguy hại và tiêu hủy chúng; Công ước Rotterdam về các thủ tục chấp thuận thông báo trước về các hóa chất nguy hại và thuốc trừ sâu trong Thương mại quốc tế; Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs); rà soát các Sự kiện và các Hoạt động liên quan đến Khí quyển (Nghị định Montreal về các chất làm suy giảm tầng Ô-zôn)…/.