Sáng 27/10, tại trụ sở Đài Tiếng Nói Việt Nam, 58 Quán Sứ, Hà Nội, sẽ diễn ra Đại hội lần thứ IV Hội hữu nghị Việt Nam – Indonesia. Trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam nhân dịp này, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Indonesia tại Việt Nam, ngài Denny Abdi, khẳng định Hội hữu nghị Việt Nam - Indonesia là cầu nối thúc đẩy mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam - Indonesia.
PV: Thưa Đại sứ, trước tiên, xin Đại sứ điểm lại những thành tựu nổi bật trong quan hệ hai nước Việt Nam-Indonesia?
Đại sứ Denny Abdi: Indonesia-Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1955. Hai nhà lập quốc là Tổng thống Soekarno và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là những người đặt nền móng đầu tiên cho quan hệ hợp tác Indonesia và Việt Nam. Quan hệ hai nước đã có nền tảng vững chắc bởi được xây dựng từ tình bạn cao cả giữa hai nhà lập quốc. Và nhiệm vụ của thế hệ ngày nay là làm sao để mối quan hệ vốn tốt đẹp ấy càng trở nên khăng khít, gắn bó trong tất cả các lĩnh vực.
Hiện nay do ảnh hưởng của Covid-19, kim ngạch thương mại song phương hai nước ít nhiều bị ảnh hưởng. Năm 2020, kim ngạch thương mại đạt 8,2 tỷ USD, thấp hơn con số 9,1 tỷ USD của năm 2019 trước khi dịch Covid-19 bùng phát. Mặc dù kim ngạch thương mại bị giảm sút nhưng nhìn chung tăng trưởng vẫn tốt. Nếu so với 10 năm trước vào năm 2010 kim ngạch hai chiều chỉ đạt 3,4 tỷ USD, đây thực sự là bước nhảy vượt bậc.
Indonesia và Việt Nam là hai nước có dân số lớn trong khu vực. Indonesia đứng số 1 trong ASEAN, trong khi Việt Nam đứng thứ 3 sau Philippines. Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác chặt chẽ hơn nữa. Hơn nữa Indonesia và Việt Nam đều có tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao. Điều này rất quan trọng vì tương lai mối quan hệ và sự phát triển của 2 nước phụ thuộc vào thế hệ trẻ.
Tôi nghĩ mối quan hệ giữa hai nước không chỉ thông qua mối quan hệ giữa Chính phủ mà còn giữa con người với nhau “People to People”. Indonesia và Việt Nam đã có các chuyến bay thẳng giữa Hà Nội và Jakarta, Thành phố Hồ Chí Minh-Jakarta, Thành phố Hồ Chí Minh-Denpasar (Bali). Do Covid-19, các chuyến bay đã tạm thời bị dừng lại. Nhưng điều quan trọng là kết nối đã có, chúng ta đã có đường bay thẳng giữa hai nước. Hiện đây là mô hình chính để Indonesia và Việt Nam tăng cường hợp tác “People to People”, tương tác với nhau. Điều đó phản ánh tình hữu nghị giữa Indonesia và Việt Nam tiếp tục được phát triển thành mối quan hệ đôi bên cùng có lợi, cả hiện tại và trong tương lai.
PV: Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, hai nước đã có sự hợp tác như thế nào để đạt được mục tiêu thúc đẩy thương mại song phương?
Đại sứ Denny Abdi: Để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại 10 tỷ USD đã đặt ra, cần phải giảm bớt các rào cản thương mại giữa hai nước. Cả hai nước phải tìm cách vượt qua các rào cản thương mại giữa hai nước nhằm giúp doanh nghiệp Indonesia và Việt Nam không gặp trở ngại khi giao dịch thương mại.
Chúng ta phải tìm kiếm những ngành chiến lược có thể tạo ra bước nhảy vọt. Theo quan điểm của tôi, đầu tiên là lĩnh vực công nghiệp chế biến đánh bắt hải sản. Chúng ta có rất nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này vì cả Indonesia và Việt Nam có nguồn tài nguyên biển dồi dào. Lĩnh vực thứ hai là kinh tế số. Khi dịch Covid-19 bùng phát, có nhiều cơ hội cho các ứng dụng nền tảng số. Nền tảng số là một trong những công cụ để hai nước tăng cường hợp tác. Lĩnh vực thứ 3 là công nghiệp công nghệ cao “hitech”. Bên cạnh hợp tác song phương, hai nước cũng cần hợp tác với các nước có nền công nghiệp phát triển hơn. Tôi chắc chắn rằng nếu chúng ta hợp tác ở ba lĩnh vực này, chúng ta có thể sớm đạt được mục tiêu thương mại song phương 10 tỷ USD trong thời gian tới.
PV: Indonesia và Việt Nam đều có vai trò trong sự ổn định chính trị, giữ vững hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Đại sứ Denny Abdi: Chúng ta đều biết mỗi khi ASEAN đưa ra 1 quyết định nào đó đều dựa trên nguyên tắc thống nhất. Đó chính là sự giống nhau trong quan điểm và hành động đối với tất cả mọi vấn đề.
ASEAN có vai trò to lớn đối với sự ổn định khu vực, hòa bình và ổn định chính trị ở khu vực Đông Nam Á. Nếu không có sự ổn định về chính trị và an ninh, thì kinh tế không thể phát triển. Về vấn đề này chúng ta cần đánh giá cao những nỗ lực chung của ASEAN. Tuy nhiên khi nhìn vào từng thành viên ASEAN chúng ta thấy có sự chênh lệch về trình độ phát triển của mỗi nước. Có nước rất phát triển như Singapore, có những nước đang phát triển như Indonesia và Việt Nam và vẫn còn 1 số nước ở phía sau. Đó là lý do Cộng đồng ASEAN được thành lập với mục tìm kiếm cách suy nghĩ giống nhau và trình độ phát triển không quá khác biệt giữa các nước. Với vai trò và vị thế của mình, Indonesia và Việt Nam cần nâng cao hơn nữa tương tác với các nước khác trong ASEAN để ASEAN ngày càng đoàn kết với quan điểm, cách nhìn nhận giống nhau trong các vấn đề.
PV: Hội hữu nghị Việt Nam – Indonesia từ khi thành lập luôn giữ vai trò cầu nối trong hoạt động đối ngoại của hai quốc gia và tình cảm của nhân dân hai nước. Ông có đánh giá gì về điều này?
Đại sứ Denny Abdi: Hội hữu nghị Việt Nam-Indonesia đã được thành lập năm 1957, và hiện nay Hội hữu nghị Indonesia-Việt Nam cũng đã được thành lập. Hội hữu nghị hai nước thời gian qua đã nỗ lực trong việc thúc đẩy các chương trình giao lưu nhân dân, các buổi hội thảo chuyên đề, triển lãm... nhằm thúc đẩy mối quan hệ gắn bó giữa nhân dân hai nước. Tôi đánh giá cao nỗ lực đó. Ngoài ra, theo tôi, bên cạnh sự hợp tác giữa hai Hội hữu nghị cũng cần tăng cường hợp tác với các hiệp hội, tổ chức khác như hội doanh nghiệp, các tổ chức văn hóa, hiệp hội thể thao... Dịch Covid-19 đã giúp chúng ta nhận ra rằng hợp tác không chỉ giới hạn trong các chuyến thăm thực tế, giờ đây thông các nền tảng kỹ thuật số sự hợp tác đó có thể dễ dàng thực hiện thông qua nhiều hình thức.
Vào ngày 27/10/2021, Hội hữu nghị Việt Nam – Indonesia sẽ có Chủ tịch và Ban chấp hành mới. Tôi với tư cách là Đại sứ, đại diện cho Chính phủ và nhân dân Indonesia ở Việt Nam, rất hy vọng Chủ tịch mới sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các hoạt động và chương trình hợp tác, giao lưu giữa hai nước. Đại sứ quán Indonesia tại Hà Nội cũng như Tổng lãnh sự quán Indonesia tại TP.HCM luôn ủng hộ các chương trình do Hội tổ chức. Chúng tôi sẵn sàng trở thành cầu nối để giới thiệu và hỗ trợ tổ chức các buổi gặp gỡ, giao lưu trực tiếp hoặc trực tuyến giữa nhân dân hai nước.
PV: Để tăng cường hơn nữa chất lượng quan hệ hữu nghị giữa hai nước về mọi mặt, với vai trò của ông, Đại sứ có đôi điều chia sẻ với các thính giả, độc giả, khán giả của VOV?
Đại sứ Denny Abdi: Mối quan hệ giữa 2 nước cần được chú trọng hơn nữa về chất lượng. Tăng trưởng kinh tế ngày càng cao, cơ sở hạ tầng tốt, chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao, điều đó đồng nghĩa với việc sức mua của người dân ngày càng lớn và hợp tác giữa hai nước có nhiều tiềm năng phát triển. Bên cạnh hợp tác giữa Chính phủ hai nước ngày được đẩy mạnh, giao lưu và hợp tác nhân dân hai nước cũng rất quan trọng, điều đó thể hiện qua tần suất các chuyến bay giữa 2 nước, ngoài ra còn được thể hiện qua sự hợp tác truyền thông, một ví dụ cụ thể là sự hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài phát thanh quốc gia Indonesia (RRI). Ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng giám đốc VOV trên cương vị Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam- Indonesia cũng có những hoạt động thiết thực đóng góp cho tình hữu nghị của nhân dân hai nước. Điều đó rất quan trọng. Theo tôi những hợp tác này cần được thúc đẩy hơn nữa vì quan hệ Chính phủ hai nước đã phát triển tốt đẹp, chúng ta cần làm sao tăng cường sự kết nối giao lưu nhân dân.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.