Ngày 7/11 là ngày truyền thống Đảng bộ khối cơ quan trung ương. Nhân dịp này, ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối trả lời phỏng vấn phóng viên VOV.VN xung quanh kết quả hơn 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối |
PV: Thưa ông, sau hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, ông thấy có những mô hình nào hay, cách làm mới, có sức lan tỏa?
Ông Sơn Minh Thắng: Có thể nói, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã ngấm dần vào đời sống, suy nghĩ, việc làm của cán bộ, đảng viên, làm xuất hiện rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, đem lại hiệu quả lâu dài, và quan trọng hơn trở thành đạo đức, văn hóa trong mỗi cá nhân và tổ chức. Ở ngành nào cũng có mô hình hay, trong nhiều mô hình hay lại có nhiều mô hình tiêu biểu. Ví dụ như mô hình xây dựng môi trường cơ quan thân thiện với những tiêu chí như đoàn kết, sáng tạo, dân chủ, nêu gương của Đảng bộ cơ quan Trung ương Hội LHPN Việt Nam; mô hình văn hóa công vụ thời đại công nghiệp 4.0 của Đảng bộ Bộ Tài chính với những tiêu chí cụ thể về thực hành đạo đức công vụ trong môi trường Chính phủ điện tử; mô hình Chi bộ làm theo lời Bác gắn với những tiêu chí về thực hành tự phê bình và phê bình, phát huy tính chiến đấu của đảng viên để xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh của Đảng bộ cơ quan Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh…
Điểm chung của những mô hình này là tính thực chất, tạo được sự chuyển biến tích cực cả về chất và lượng, vì thế các mô hình được nhân lên, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn đảng bộ.
Để tạo sự lan tỏa từ các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hàng năm, các cấp ủy trực thuộc và Đảng ủy Khối đều tổ chức bình chọn, tuyên dương các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác.
PV: Có ý kiến cho rằng việc học tập và làm theo tư tưởng của Bác được nói đến nhiều nhưng kết quả thực hiện chưa được bao nhiêu. Ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến này?
Ông Sơn Minh Thắng: Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Đảng ra chủ trương thực hiện từ nhiều nhiệm kỳ trước. Đến năm 2006, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 06-CT/TW về tổ chức Cuộc Vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, mục tiêu chính là tạo ra sự thống nhất về nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa tốt đẹp từ việc học tập, làm theo tấm gương của Bác Hồ, do vậy công tác tuyên truyền được coi là giải pháp trọng tâm để xây dựng nhận thức của toàn xã hội về Cuộc Vận động.
Từ những kết quả quan trọng sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW, đồng thời để việc học tập gắn với việc làm theo, và trở thành việc làm thường xuyên, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Trung ương nhận định việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở một số ít tổ chức đảng và đảng viên vẫn chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị khóa XII tiếp tục ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
3 nhóm giải pháp để việc học tập Bác trở thành thói quen
PV: Để việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào nền nếp, trở thành thói quen của mỗi cán bộ, đảng viên, theo ông cần khắc phục những hạn chế, bất cập nào?
Ông Sơn Minh Thắng: Hiện nay, vẫn còn số ít tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đúng mục đích, ý nghĩa sâu sắc, nhân văn từ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, do vậy việc làm theo vẫn còn tính hình thức, chưa rõ người, rõ việc, rõ hiệu quả; một số tổ chức đảng còn coi đó là phong trào mà chưa xem đó là việc làm thường xuyên, bắt buộc.
Bên cạnh đó, cách vinh danh tập thể, cá nhân còn mang tính hình thức, chưa thực sự động viên được cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là những người không giữ vị trí lãnh đạo, quản lý.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên, trong thời gian tới, cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp cơ bản là:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền gương điển hình trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Lấy gương điển hình để tuyên truyền, và đưa nội dung tuyên truyền về gương điển hình thành một nội dung quan trọng trong sinh hoạt cấp ủy và chi bộ; đồng thời phối hợp tốt với các cơ quan truyền thông, tổ chức tuyên truyền theo hướng trọng tâm, trọng điểm theo nội dung, nhóm nội dung gắn với từng cấp, từng ngành để làm rõ được những ưu điểm để phát huy.
Thứ hai, đổi mới việc đăng ký làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với công khai nội dung đăng ký của tập thể, cá nhân, mà trước tiên là của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị. Thông qua đó để cán bộ, đảng viên và nhân dân giám sát quá trình và hiệu quả thực hiện việc làm theo.
Thứ ba, đổi mới nội dung, hình thức đánh giá và vinh danh điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng công khai, minh bạch, lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng, nhân dân. Cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu và quy định rõ tiêu chí thực hiện việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên và tiêu chí trong việc xem xét quy hoạch, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ.
PV: Việc học tập và làm theo tấm gương của Bác trước hết là ở sự gương mẫu. Sau các Quy định 101 của Ban Bí thư và 55 của Bộ Chính trị, Hội nghị Trung ương 8 đã ban hành Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương. Với quy định mới này, yêu cầu về sự gương mẫu của cán bộ đảng viên nói chung sẽ được thắt chặt hơn nữa?
Ông Sơn Minh Thắng: Chúng ta thấy rất rõ việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh không dừng lại ở các quy định chung chung và cần được thể chế thành các nội dung nêu gương cụ thể, vì thế mà Ban Bí thư ban hành Quy định 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Tiếp đó, để góp phần thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Đây là những bước phát triển hết sức chặt chẽ, thể hiện quyết tâm của Đảng về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên để củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Và gần đây, việc nêu gương được quy định thành trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, đảng viên mà trước hết của Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Trung ương được Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25/10/2018. Như vậy có thể rõ quyết tâm của Đảng về yêu cầu nêu gương, thể hiện qua việc nâng tầm các quy định từ của Bộ Chính trị đến Ban Bí thư và đến Ban Chấp hành Trung ương.
PV: Xin cảm ơn ông./.