Sáng nay (27/8) tại tỉnh Lào Cai, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ; Bộ trưởng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp, Giao thông Vận tải; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành và 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc, 5 tỉnh đồng bằng Sông Hồng, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc với tinh thần trách nhiệm rất cao của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển của vùng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc trong vùng.

Để hiện thực hóa Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 96 ngày 01/8/2022 về Chương trình hành động thực hiện với mục đích, yêu cầu và các chỉ tiêu cụ thể và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KTXH các địa phương trong vùng và toàn vùng. Theo đó sẽ tập trung bám sát 5 quan điểm theo Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và bám sát mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trong đó lưu ý trở thành vùng phát triển xanh, bền vững và toàn diện, là hình mẫu phát triển nhanh của cả nước; trong đó có 50% số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã công bố Quyết định số 999 của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/8/2022 về việc thành lập Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc do Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh là Chủ tịch; Công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.

Trong đó, Chính phủ đã đề ra chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2030 là: Tăng trưởng GRDP vùng đạt 8 - 9%/năm (cả nước khoảng 7%); Tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40% (cả nước là trên 50%); có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65 - 70%; trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40% (cả nước là 35 - 40%). Tỉ lệ nghèo đa chiều giảm 2 - 3%/năm.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận đưa ra nhiều ý kiến tham luận sâu sắc, khách quan, trách nhiệm, tâm huyết; đề xuất và kiến nghị nhiều giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả, sát thực tiễn, góp phần đưa Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị vào thực tiễn đời sống, xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể gắn với những giải pháp cụ thể, linh hoạt, hiệu quả, sát thực tiễn. Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong vùng và các bộ, ngành liên quan tập trung quán triệt tinh thần “Cả nước vì vùng và vùng vì cả nước” và phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc ngày 15/4/2022 quán triệt và triển khai Nghị quyết số 11-NQ/TW.

Thủ tướng đề nghị quán triệt nghiêm túc, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Triển khai công việc có trọng tâm, trọng điểm; làm đến đâu chắc đến đó, việc nào phải xong việc đó; Phải tự lực tự cường, tập trung phát huy mạnh mẽ các nguồn lực, nhất là con người, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường; kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài, trong đó: nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định; nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá, thường xuyên.

Thống nhất nhận thức và hành động; bám sát thực tiễn và căn cứ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để có giải pháp phù hợp, xử lý các vấn đề đặt ra đạt hiệu quả cao nhất; phát huy mạnh mẽ dân chủ, trí tuệ tập thể.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực thi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp quản lý, kiểm tra, giám sát hiệu quả.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ; hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu Thủ tướng chỉ rõ, tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19; Tập trung xây dựng Quy hoạch vùng phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm của vùng và từng địa phương trong vùng trong thời gian tới.

Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong đó tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, logistics, hạ tầng xã hội, chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chú trọng phát triển văn hoá, xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân. Tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Về đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT, các Bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến phù hợp để rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan và lưu ý trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Tinh thần đặt ra là thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải giải quyết ngay và kịp thời báo cáo, đề xuất đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đối tác phát triển quan tâm đầu tư quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn, bền vững hơn với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “tâm, tài, trí, tín”; “chân thành, trách nhiệm”. Xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác.

Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, nói không với tiêu cực, nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền. Tiếp tục chung tay, đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương trong phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các địa phương trong vùng tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những bất cập, khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các địa phương, thúc đẩy phát triển toàn diện, bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

Cũng tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và đầu tư và các đối tác phát triển đã trao thỏa thuận hợp tác về phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi phía Bắc giữ; Trao giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ cho 14 địa phương trong vùng.  

Trước đó cũng trong sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các ban, bộ ngành địa phương đã cắt băng khai mạc triển lãm ảnh, quảng bá hình ảnh, vùng đất văn hóa, con người Trung du và miền núi phía Bắc và chương trình xúc tiến đầu tư cho vùng Trung và miền núi Bắc Bộ./.