Nhận lời mời của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind và Tổng thốngBangladesh Abdul Hamid, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao nước ta đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dânBangladesh từ ngày 2/3 - 6/3/2018.

Chuyến thăm đã thành công tốt đẹp. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trên nhiều phương diện, và những kết quả đạt được đã đặt thêm những dấu mốc đáng nhớ, đưa quan hệ giữa Việt Nam với Cộng hòa Ấn Độ vàBangladesh ngày càng phát triển.

1_nxty.jpg
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Bangladesh Mohammad Abdul Hamid.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang được thực hiện trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục phát triển sâu rộng, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập Đối tác Chiến lược (2007) và nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện (2016) cũng như quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt Việt Nam và Bangladesh có bước tiến triển trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (11/2/1973-11/2/2018).

Ở những nơi Chủ tịch nước tới thăm, phía bạn luôn dành cho đoàn sự đón tiếp trọng thị, chân thành, nồng ấm cho thấy tình cảm gần gũi, thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Ấn Độ và nhân dân Bangladesh.

Trong tất cả các cuộc làm việc, tiếp xúc của Chủ tịch nước ta với Lãnh đạo hai nước cũng như với các đảng phái chính trị, giới doanh nghiệp, giới học giả, sinh viên và đặc biệt là nhân dân hai nước đều toát lên một tình cảm đặc biệt; thể hiện lòng tin chính trị cao, tình cảm nồng ấm, sự tôn trọng như giữa những người thân, bạn bè lâu năm.

Ông Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, trong tất cả các vấn đề Chủ tịch nước ta trao đổi với Lãnh đạo hai nước Ấn Độ và Bangladesh đều tìm thấy sự nhất trí rất cao về hầu hết những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Thông qua trao đổi, các nhà Lãnh đạo và các Đoàn cũng hiểu rõ hơn tầm quan trọng của nhau trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, đồng thời, cũng hiểu rõ hơn những cơ hội và tiềm năng của từng nước trong quan hệ song phương.

Các nhà Lãnh đạo đã nhất trí các biện pháp thực chất, tập trung vào việc kết nối. Đầu tiên là kết nối con người với con người, đặc biệt là doanh nhân với doanh nhân. Tiếp đó là kết nối đường hàng không và đường biển. Nếu kết nối tốt, chúng ta sẽ cảm thấy Dhaka và New Dehli cũng không xa Việt Nam hơn Singapore và Kuala Lumpur. Nếu kết nối tốt, đây là phương cách tốt nhất khơi dậy tiềm năng, biến tiềm năng hợp tác trở thành hiện thực vì lợi ích của nhân dân.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang duyệt đội danh dự quân đội Ấn Độ.
Trong hợp tác Kinh tế, thương mại với Cộng hòa Ấn Độ hai bên nhất trí triển khai các biện pháp đột phá, trong đó chú trọng đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu hai bên có tiềm năng và thế mạnh; hạn chế các rào cản thương mại, tham vấn chặt chẽ về chính sách thương mại, mở rộng kết nối hàng không, hàng hải để tạo thuận lợi cho giao thương.

Với Bangladesh, hai bên cũng đã trao đổi khả năng hợp tác trong các ngành dệt may, chế biến giầy da, thuộc da, chế biến thực phẩm, dược phẩm; trên cơ sở thế mạnh của mỗi nước, có thể xem xét thành lập các liên doanh trong lĩnh vực này; thúc đẩy việc thiết lập đường bay thẳng giữa hai nước.

Một trong những hoạt động quan trọng trong khuôn khổ chuyến thăm là Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Ấn Độ và Diễn đàn kinh tế Việt Nam- Bangladesh đã được tổ chức rất thành công, với sự hưởng ứng và tham gia tích cực của đông đảo doanh nghiệp các bên.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Ấn Độ Modi chủ trì họp báo.
Tại các diễn đàn, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu bật những tiềm năng của Việt Nam đạt được sau hơn 30 năm đổi mới và hội nhập quốc tế. Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh, ổn định và được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, thuận lợi và an toàn trong khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước cũng cho biết, Việt Nam đang tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể; Đồng thời khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định: “Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, tiếp tục tạo dựng các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh về thể chế, kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, nhất là các ngành công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh vì người dân và doanh nghiệp”.

Đặc biệt, trong chuyến thăm Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm Bảo tàng tưởng niệm Nehru và gặp gỡ, trao đổi với các chính khách, giáo sư, nhà nghiên cứu, học giả, sinh viên Ấn Độ. Trong bài phát biểu trước các học giả, nhà nghiên cứu, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã điểm lại những biến chuyển nhanh chóng, sâu sắc và toàn diện của thế giới trong 2 thập niên đầu của thế kỷ 21, trong đó sự trỗi dậy của Châu Á được xem là một trong những chuyển dịch mạnh mẽ nhất, khơi dậy nhiều cảm hứng nhất.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Ấn Độ Modi.
Chủ tịch nước nêu rõ, chỉ trong vài thập niên, thế giới đã liên tục chứng kiến những kỳ tích mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... đã lập nên. Điều trùng hợp lý thú là trung tâm của các kỳ tích đó đều nằm ở khu vực Ấn Độ Dương và Châu Á - Thái Bình Dương...

Chủ tịch nước đã nêu bật một loạt vấn đề, đó là thế kỷ này có trở thành thế kỷ của Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương hay không? Khu vực này có thật sự trở thành tâm điểm kết nối các nguồn lực, hài hòa các lợi ích để tiếp tục phát triển năng động, bền vững hơn nữa hay không?

Trong phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, khát vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước đều chia sẻ tầm nhìn chung về một khu vực mở, dựa trên luật pháp quốc tế..., không một quốc gia, một dân tộc, một nhóm dân cư nào bị bỏ lại phía sau; khát vọng chỉ có thể trở thành hiện thực khi tất cả các nước cùng nỗ lực bảo vệ sự tự do, thông suốt của các tuyến đường hàng hải, hàng không, thương mại, không để Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương bị chia cắt, ngăn cản hay bị chia rẽ; các nước cần kề vai, sát cánh xây dựng một không gian sinh tồn và phát triển chung với niềm tin Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương đủ lớn để tất cả các nước cùng phát triển thịnh vượng. Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch nước Trần Đại Quang liên tục nhận được các tràng pháo tay tán thưởng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm quốc gia tại Savar.
Theo ông Đặng Đình Quý, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, đây là bài phát biểu rất quan trọng của Chủ tịch nước tại Bảo tàng Nehru mà đối tượng không chỉ là chính trị gia mà còn là các học giả, các sinh viên và rất nhiều các đối tượng khác, đồng thời có sự tham gia đông đảo của giới truyền thông ở Ấn Độ, trong đó có văn phòng đại diện của nhiều hãng truyền thông lớn.

Thông điệp chính của Chủ tịch nước muốn nói rằng Việt Nam, Ấn Độ tăng cường mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện không vì mục tiêu gì khác mà vì một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Châu Á ngày càng thịnh vượng hơn, phát triển hơn vì lợi ích chung của tất cả các nước trong khu vực và vì hoà bình, ổn định trên thế giới.

Cũng trong chuyến thăm Ấn Độ và Bangladesh lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn Cấp cao Việt Nam đã đến đặt vòng hoa tại Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi; Thăm bảo tàng Nehru Ấn Độ; Đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm Quốc gia Savar; Đặt vòng hoa tại bảo tàng tưởng niệm Người cha Dân tộc Bangabandhu ở Thủ đô Dhaka, Bangladesh.

Chủ tịch nước đặt hoa tại Bảo tàng tưởng niệm Người cha Dân tộc Bangabandhu.

Theo Thứ Trưởng Đặng Đình Quý, mối quan hệ của Việt Nam với Ấn Độ và Bangladesh có bề dày về lịch sử và văn hoá. Trong khi, chúng ta vừa kết thúc kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Ấn Độ và năm nay là năm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Bangladesh.

“Trong chuyến thăm lần này, ngoài việc trao đổi về những biện pháp thúc đẩy mối quan hệ trong tương lai, Chủ tịch nước cũng tiếp xúc rất nhiều với các giới, các ngành; trao đổi về những nền tảng sâu xa của mối quan hệ đó. Đặc biệt, những con người là nhân chứng đã làm nên một giai đoạn lịch sử của mối quan hệ vẫn còn đang sống. Vì vậy, đây là một dịp rất đặc biệt, Chủ tịch nước gặp vừa là để tri ân, ôn lại kỷ niệm, vừa để trao đổi những biện pháp làm cho truyền thống này tiếp tục sống động, cho giới trẻ hiểu được truyền thống đó, trân quý truyền thống để đóng góp nhiều hơn cho hiện tại” - Thứ trưởng Đặng Đình Quý cho biết.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh.

Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ và Cộng hòa nhân dân Bangladesh, một lần nữa khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, trong đó, luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Ấn Độ và với Bangladesh. Đồng thời chuyến thăm đã tạo những xung lực mới mạnh mẽ để đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ, quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam-Bangladesh bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất, hiệu quả đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân mỗi nước.

Những giá trị tốt đẹp trong quá khứ, thành quả đáng tự hào của hiện tại, cùng quyết tâm của lãnh đạo hai nước được tái khẳng định trong chuyến thăm cho thấy tương lai của mối quan hệ Việt Nam -Ấn Độ và quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bangladesh sẽ ngày càng phát triển./.