Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Mátxcơva về nước, tôi được phân công về Bộ Xây dựng - nơi mà trước đây tôi đã từng công tác. Hồi ấy, tôi là một cán bộ kỹ thuật phụ trách thi công một số công trình tại Hà Nội.
Ông Phan Trọng Kính bên nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười (Ảnh: Vietnamnet) |
Có thể nói, từ ngày được phục vụ đồng chí Bộ trưởng, tôi thấy đồng chí có cường độ làm việc rất phi thường: một ngày làm việc của đồng chí không phải là 10 tiếng mà thường xuyên là 16 - 17 tiếng. Bốn giờ sáng đồng chí đã dậy ngồi vào bàn đọc sách; đến 6 giờ nghe tin tức các đài trong và ngoài nước; 7 giờ sáng tập thể dục; ăn sáng xong là lên xe đến công sở làm việc. Nhiều hôm, đồng chí làm việc đến quá 12 giờ trưa mới nghỉ. Trưa về, ăn cơm xong là đồng chí ngồi vào ghế tựa nghe tin tức trong nước và thế giới qua băng cát xét mà Thông tấn xã Việt Nam thu để phục vụ các đồng chí lãnh đạo. Buổi chiều không những về muộn mà nhiều hôm đồng chí còn nói với Văn phòng triệu tập các cuộc họp tối, có khi mãi đến quá 11 giờ mới nghỉ. Hầu như tuần nào cũng có hai, ba cuộc họp như vậy.
Trải qua năm tháng, kể từ ngày được bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười đến nay đã gần 40 năm, tôi đã đi theo đồng chí không biết bao nhiêu là cơ quan, công trường, nhà máy, các địa phương trong và ngoài nước, dự không biết bao nhiêu cuộc họp từ cơ sở cho đến các bộ, các ngành và Trung ương; thấu hiểu hoàn cảnh và sinh hoạt gia đình cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của đồng chí. Tôi nhận thấy một điều là đồng chí làm vì hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ. Những nơi nào nóng bỏng nhất, những công việc nào khó khăn nhất là đồng chí đều có mặt.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, phụ trách Hòa Bình, Bí thư kèm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định, Phó Bí thư Liên khu ủy III, Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu III, Tư lệnh Liên khu III, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Tả Ngạn sông Hồng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch ủy ban quân quản thành phố Hải Phòng.
Sau hòa bình lập lại, năm 1955, đồng chí được Đảng phân công phụ trách Bộ Nội thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Chi viện tiền tuyến Trung ương, Trưởng Ban chống phong tỏa cảng Hải Phòng, Phó Thủ tướng phụ trách các bộ: Xây dựng, Công nghiệp, Vật tư... Công việc nào được Đảng phân công, đồng chí đều ngày đêm đem hết sức mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Là một vị Tư lệnh và Chính ủy các quân khu vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng chí đã chỉ huy đập tan các cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp hồi năm 1949-1950 tại các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương,...; chỉ huy trận tập kích vào sân bay Cát Bi, đốt cháy hàng chục máy bay địch.
Là Phó Thủ tướng suốt 20 năm, đồng chí được giao giải quyết nhiều công việc quan trọng: chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải toả cảng Hải Phòng, chi viện cho miền Nam... rồi chỉ huy chống bão lụt và thường xuyên lăn lộn trên các công trường trọng điểm của Nhà nước.
Là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, đồng chí đã giải quyết nhanh chóng nạn lạm phát phi mã hồi năm 1988-1989; xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ nạn ngăn sông cấm chợ, đưa hai giá về một giá; góp phần quan trọng xây dựng Cương lĩnh năm 1991 và Chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000). Đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị và Quốc hội nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng các chính sách lớn của đất nước.
Là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí đã nhanh chóng chỉ đạo kịp thời việc quản lý khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc sau ngày giải phóng đất nước năm 1975.
Khi đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lúc này đầy rẫy những khó khăn. Điều đầu tiên là đồng chí đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ, chủ động gia nhập ASEAN và thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng và phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh và trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Những đề xuất như xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở, phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng...; những câu nói nổi tiếng như: "Đổi mới không đổi màu", "Hội nhập không hòa tan" hoặc "xoá bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai", hoặc "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới", v.v... đều xuất phát từ thực tế khi đồng chí tiếp xúc với đồng bào, đồng chí hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài.
Ví dụ: Năm 1991, khi đồng chí về thăm một số tỉnh ở miền Trung và miền Nam, đến đâu đồng chí cũng hỏi thăm các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với nước, thăm hỏi các bà mẹ có con hy sinh ở Tây Ninh, Bến Tre, Thừa Thiên - Huế. Cảm động nhất là có một bà mẹ ở Thừa Thiên - Huế có 5 con hy sinh. Khi đồng chí đến thăm hỏi, cụ vừa lau nước mắt vừa nói với Tổng Bí thư: "Gia đình tôi đã mất hết, các con tôi đã mất hết, nhưng mà đất nước được độc lập và có được hòa bình như hôm nay, thế là tôi cũng toại nguyện rồi...".
Trước lời nói đầy khí phách anh hùng đó, đồng chí về trao đổi với đồng chí Lê Đức Anh là Chủ tịch nước và báo cáo Bộ Chính trị nên có hình thức tôn vinh một cách xứng đáng các bà mẹ Việt Nam anh hùng. Một thời gian sau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua và Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký lệnh ban hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Đồng chí Đỗ Mười tư duy nhạy bén, sắc sảo, hành động quyết liệt
Quá trình công tác của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
Đồng chí hỏi: "Để xảy ra tình trạng này, trách nhiệm của đảng bộ xã, đảng bộ huyện thế nào? Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách đến đâu? Những cá nhân sai phạm, tại sao đảng bộ không đưa ra để kiểm thảo, có hình thức kỷ luật nghiêm và thay thế".
Thấu hiểu tình hình đó, đồng chí nghĩ rằng không những ở Thái Bình mà chắc các địa phương khác ít nhiều cũng có tình trạng như vậy. Khi trở về, đồng chí họp với các ngành có liên quan, cho đi kiểm tra các địa phương các cơ quan, trường học, bệnh viện, các đơn vị sản xuất và sau đó ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về Quy chủ dân chủ ở cơ sở. Quy chế đó sau khi ban hành đã phát huy được hiệu quả tích cực về quyền làm chủ của nhân dân.
Về công tác đối ngoại cũng vậy, tiếp xúc với các nhà ngoại giao, các nguyên thủ, các chính khách nước ngoài… đồng chí luôn giữ một thái độ thẳng thắn, cởi mở, chân tình, tự tôn dân tộc, một tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng, chủ động, có sức thuyết phục, gây được cảm tình đối với bạn bè quốc tế.
Thời kỳ chưa bình thường hóa quan hệ với Mỹ, đã có nhiều đoàn thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam xin gặp Tổng Bí thư để đề nghị giúp đỡ tìm kiếm người Mỹ mất tích (MIA). Sang nhiều nhất là Thượng nghị sĩ Giôn Kery. Khi tiếp đoàn hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ do Giôn Kery dẫn đầu để bàn vấn đề MIA, đồng chí Đỗ Mười nói: Vấn đề MIA, như đã nói với ngài nhiều lần, là vấn đề nhân đạo. Chúng tôi không gắn vấn đề này với vấn đề chính trị. Nhưng thực ra nó là vấn đề chính trị của nước Mỹ. Chúng tôi sẽ hợp tác tốt với các ngài để giải quyết vấn đề MIA. Vừa qua, lời nói và việc làm của chúng tôi đều nhất quán. Tôi nói lại một lần nữa với các ngài là không thể có người Mỹ nào mà chúng tôi đang giam giữ. Chúng tôi giam giữ để làm gì? Tôi nghĩ rằng, chúng ta không nên khơi lại những mất mát, khổ đau mà hai đất nước của chúng ta đã chịu đựng. Nhân dân Việt Nam chúng tôi càng đau đớn gấp nhiều lần! Hàng triệu người chết và mất tích, hàng chục vạn người bị tàn tật; chất độc da cam mà các ngài gây ra đang để lại những hậu quả nặng nề. Các ngài gây lại những xót xa như thế này thì hàng triệu gia đình Việt Nam càng suy nghĩ và tác động đến tâm lý rất nhiều. Chúng tôi nói với nhân dân chúng tôi là hãy cố gắng bỏ qua, nhưng nhân dân Việt Nam cứ hỏi chúng tôi: Đây là nhân đạo cho người Mỹ, còn nhân đạo đối với nhân dân Việt Nam thì thế nào? Quả là một vấn đề hết sức nặng nề! Như các ngài đã rõ, đất nước chúng tôi đã chịu nhiều đau khổ từ hàng nghìn năm nước đây cho đến sau này lại bị Nhật, Pháp, Mỹ sang xâm chiếm, gây bao tai họa, mất mát, đến hôm nay vẫn chưa hàn gắn được vết thương do chiến tranh gây nên. Vì vậy, chúng tôi muốn đất nước được hòa bình, ổn định để tập trung xây dựng lại. Chúng tôi tuyên bố: Việt Nam sẵn sàng là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, tích cực góp phần cùng các nước Đông Nam Á và trên thế giới vào sự nghiệp chung vì hòa bình, ổn định, độc lập hợp tác và phát triển. Đối với Mỹ cũng vậy, Việt Nam với Mỹ từ lâu đã có quan hệ tốt, nhất là trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Việt Nam mãi mãi biết ơn nhân dân Mỹ. Nhưng không hiểu vì sao Mỹ lại có ác cảm với Việt Nam như vậy? Nhưng thôi. Bây giờ đó là chuyện quá khứ, chúng ta coi như gác lại và hãy nhìn về tương lai để cùng nhau hợp tác và phát triển. Nhân dịp này, tôi gửi lời hỏi thăm sức khoe Tổng thống Bill Clinton. Những năm vừa qua, Tổng thống đã làm được nhiều việc và đã đạt được nhiều thành tựu".
Thượng nghị sĩ Giôn Kery nói: "Cảm ơn ngài rất nhiều. Qua phát biểu của ngài, chúng tôi hiểu thế nào là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Lời phát biểu của ngài rất quan trọng. Chúng tôi về sẽ báo cáo ngay với ngài Tổng thống Bill Clinton".
Phải nói rằng, kể từ Đại hội VII, Đại hội VIII cho đến nay, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta ngày càng chủ động và tích cực mở rộng, ngoài một số nước xã hội chủ nghĩa và láng giềng anh em, chúng ta đã giữ quan hệ hữu nghị với Ấn Độ, mở rộng quan hệ với các nước Đông Nam Á, bình thường hóa quan hệ với Mỹ, phát triển quan hệ với các nước Tây Âu, Bắc Âu, Ôxtrâylia... cải thiện quan hệ với Nhật, Hàn Quốc, duy trì và mở rộng quan hệ với các Đảng Cộng sản và công nhân các phong trào cách mạng và phong trào độc lập dân tộc; tiếp tục quan hệ với một số đảng xã hội, xã hội - dân chủ,…
Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười đã góp phần không nhỏ vào những thành tựu về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Lại một việc nữa, hàng năm, bà con Việt kiều từ các nước về thăm Tổ quốc. Trong số đó cũng có nhiều người trước đây theo chính quyền Sài Gòn. Thái độ của bà con khi về nước có phần mặc cảm, rụt rè. Trong một buổi nói chuyện thân mật với bà con về thăm quê hương đón xuân Ất Hợi năm 1995, trước tiên đồng chí thân ái chúc bà con đoàn kết, xây dựng cuộc sống ổn định nơi định cư, cùng nhau lo cho nước nhà, cho con cháu, lo cho đời nay, lo cho đời sau, chúc bà con làm ăn tấn tới. Sau nữa, đồng chí nói: "Tất cả chúng ta chỉ có một Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Chúng ta tự hào được là người Việt Nam, là con em của một dân tộc anh hùng, từ thời dựng nước tới nay đã đánh thắng nhiều kẻ thù xâm lược hung bạo và hùng mạnh. Chúng ta có quyền tự hào về truyền thống bất khuất, quật cường của dân tộc, nhưng chưa thể tự hào về sự giàu đẹp của đất nước. Phải cùng nhau suy nghĩ và hành động sao cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh...".
Đồng chí nói tiếp: "Trong một kỳ họp Quốc hội, tôi có nói: "xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, đoàn kết nhau lại nhìn về tương lai,...". Vì sao tôi nói thế? Vì nếu không có thực dân, đế quốc sẽ không có "vết thương lòng" giữa những người Việt Nam với nhau. Nói cách khác, có "vết thương lòng" giữa những người Việt Nam với nhau là do thực dân, đế quốc gây nên. Ta đánh đuổi được đế quốc thực dân thì cũng phải xóa "vết thương lòng" đó. Đừng mắc lừa ngoại bang một lần nữa. Hãy đoàn kết nhau lại, không mặc cảm, không hận thù, hãy cùng nhau phấn đấu vì tương lai tươi sáng của dân tộc. Tôi nói vậy bà con có thấy đúng không?".
Hôm ấy, trước thái độ cởi mở, thân tình và những lời nói chân thành của Tổng Bí thư, bà con rất cảm động.
Đồng chí Đỗ Mười rất thông cảm với những hoàn cảnh éo le và những khúc mắc của đồng bào, đồng chí. Cũng chính vì thế mà những năm đồng chí còn đương chức và kể cả bây giờ, hàng ngày không biết bao nhiêu thư từ kêu oan hoặc khiếu nại, tố cáo từ các nơi gửi đến cho đồng chí. Đồng chí đều thu xếp thời gian để nghe hoặc tiếp xúc với bà con, việc nào giải quyết ngay được thì giải quyết, việc nào chưa giải quyết được thì gọi lãnh đạo địa phương lên trực tiếp gặp gỡ bà con để giải quyết và sau đó phải báo cáo lại cho đồng chí được biết.
Trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, đồng chí luôn thực hiện tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ là đồng chí góp ý phải hết sức tiết kiệm. Đồng chí nói: "Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh có được không? Nước chè xanh vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa. Còn ăn uống cũng nên hạn chế, tránh lãng phí".
Có một lần, đồng chí Đỗ Mười dự cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định, hôm ấy có đại biểu các tỉnh ở phía Bắc về dự. Đến trưa, tỉnh tổ chức bữa cơm gọi là thân mật nhưng rất thịnh soạn, bày biện nhiều món, thừa mứa nhiều. Đồng chí chỉ ăn qua loa và trước khi ra về đồng chí nhắc nhở các tỉnh phải hết sức tiết kiệm, không nên lãng phí như bữa ăn trưa nay. Đồng chí nói rất day dứt về việc đó. Đại biểu các tỉnh ngồi nghe bấm nhau, nếu có mời Tổng Bí thư về tỉnh thì cẩn thận đấy nhé.
Quả đúng như vậy, hôm đó, theo kế hoạch thì đến chiều Tổng Bí thư sẽ về làm việc với tình Thái Bình. Cũng may trong cuộc họp buổi sáng ở tỉnh Nam Định có đại biểu của tỉnh Thái Bình tham dự. Đồng chí này liền cấp tốc điện về Thái Bình báo là nếu có mời cơm đồng chí Tổng Bí thư chiều nay thì phải hết sức đạm bạc, nếu bày biện như ở Nam Định trưa nay thì liệu đấy. Đúng như vậy, bữa cơm chiều hôm ăn chỉ có rau muống luộc, bát canh cua, mấy quả cà và đĩa cá. Anh em bảo vệ, lái xe, thư ký, bác sĩ đi theo Tổng Bí thư còn xin thêm nước mắm và cơm để ăn cho đủ.
Trong sinh hoạt gia đình hàng ngày của đồng chí cũng rất giản dị. Bữa sáng có khi ăn bát cháo hoặc nắm xôi, cốc sữa. Bữa trưa, bữa tối cùng ăn cơm với gia đình. Trên mâm thường là bát canh, đĩa cá, mấy bìa đậu, một ít thịt cho các cháu, còn chủ yếu là rau luộc, muối vừng, đậu phụ. Đồ đạc trong nhà không có gì là sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.
Có cô phóng viên Hãng Reuters xin được vào thăm nhà đồng chí Đỗ Mười. Ý định của nhà báo này là nhân dịp vào thăm để tìm hiểu xem đời sống của các vị nguyên thủ Việt Nam như thế nào, có khác gì so với đời sống của các vị tổng thống, thủ tướng ở các nước không?
Hôm ấy là ngày chủ nhật, đồng chí Đỗ Mười ở nhà. Cô phóng viên này xin được vào "yết kiến" Tổng Bí thư. Anh em bảo vệ mở cổng, thấy người nước ngoài liền gọi điện thoại cho tôi để xin ý kiến xử lý. Theo nguyên tắc thì việc tiếp khách nước ngoài đều được bố trí tiếp tại trụ sở Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, nhưng cô phóng viên đó cứ muốn được đến thăm tại nhà. Tôi liền tức tốc phóng xe về để xin ý kiến Thủ trưởng. Đồng chí Đỗ Mười nói: "Cứ cho cô ấy vào".
Vào đến nhà, thấy Tổng Bí thư Đỗ Mười đang đọc sách. Cô kính cẩn chào và có lời cảm ơn bác đã cho đến thăm. Cô là người Anh, chắc sang Việt Nam đã lâu nên nói tiếng Việt rất sõi. Có lẽ vì vậy mà cô xưng hô với Tổng Bí thư là bác với cháu. Đầu tiên cô tự giới thiệu: "Cháu là phóng viên của Hãng Reuters. Từ lâu cháu đã được nghe nhiều người ca ngợi bác, hôm nay cháu đến trước tiên là thăm bác, sau nữa là cháu muốn tìm hiểu thêm về cuộc đời hoạt động của bác cũng như cuộc sống đời thường của bác".
Đồng chí Đỗ Mười mời cô ngồi và chủ động hỏi thăm về tình hình gia đình và hoạt động báo chí của cô ở Việt Nam. Đồng chí cũng kể cho cô nghe là sáng nào đồng chí cũng nghe tin đài BBC. Khen đài BBC đưa tin nhanh và cũng chê một số đài phương Tây thường đưa tin sai lệch, thiếu thiện chí.
Hôm ấy, cô phóng viên hỏi Tổng Bí thư đủ thứ chuyện: nào là về gia đình, vợ con và cuộc đời hoạt động cách mạng bị tù đày như thế nào; nào là bác đã bị Pháp cầm tù nhiều năm, bác có thấy cay đắng không? Tại sao người Pháp bỏ tù bác như vậy mà nay bác lại nói xóa bỏ hận thù? Và cả người Mỹ cũng vậy?… Bác Đỗ Mười chăm chú nghe và trả lời cho cô từng câu hỏi bằng lời lẽ ân cần, tình cảm và đầy sức thuyết phục. Cô rất cảm động trước thái độ cởi mở, thân tình của Tổng Bí thư. Sau cùng, cô xin phép được thăm nơi ăn, ở và làm việc của Tổng Bí thư. Khi thăm thư viện của bác, cô phát hiện có quyển sách của Tổng thống Bill Clinton. Cô lấy xem, thấy bên trong quyển sách có nhiều trang đã gạch chân nhiều dòng bằng bút chì. Cô lấy thêm mấy quyển sách khác trong các giá sách gần đó cũng thấy có nhiều trang như vậy. Điều đó chứng tỏ bác đã đọc kỹ rất nhiều sách.
Sau khi được đồng chí bảo vệ dẫn cho xem các phòng, cô đến cạnh Tổng Bí thư cảm động nói "Thưa bác, cháu thấy thế hệ các bác đã chiến đấu và gian khổ nhiều, đáng lẽ ngày nay được hưởng sung sướng nhưng thực tế cuộc sống đời thường của bác cũng rất giản dị. Cháu có ý nghĩ cứ ám ảnh suốt là thế hệ của các bác là những người luôn nghĩ cho dân, cho nước, không hề nghĩ gì về mình; còn thế hệ trẻ bây giờ cháu thấy không được như các bác, họ bị ảnh hưởng nhiều lắm bác ạ!".
Đồng chí Đỗ Mười nói: "Không phải đâu chị ạ, chúng tôi đã qua nhiều thế hệ đấu tranh, mỗi thế hệ mỗi khác. Các thế hệ cứ lần lượt tiến lên và trưởng thành nhanh chóng. Các thế hệ sau tiến bộ hơn nhiều so với thế hệ trước. Chị nói thanh niên bây giờ họ bị ảnh hưởng nhiều. Điều đó có đúng một phần. Tất nhiên, kinh tế thị trường có nhiều mặt tích cực nhưng cũng có không ít mặt tiêu cực phát sinh trong đời sống hằng ngày. Song, con người Việt Nam, như chị nói đã tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam thì thấy đấy, họ cũng bình thường như tất cả mọi người, thế nhưng cái chất anh hùng và tinh thần quật cường khi Tổ quốc có nguy biến thì trong con người Việt Nam ai cũng có. Những người lãnh đạo Việt Nam mặc dù vào sinh ra tử, có nhiều công lao đối với đất nước, nhưng trong đời tư của họ vẫn như mọi người. Chị xem, ngôi nhà đây là của Nhà nước, mọi thứ treo trên tường đều là những tặng phẩm của bạn bè, đồng bào, đồng chí. Ngoài ra chị còn thấy những gì hơn nữa không. Cái quý nhất của tôi là những giá sách mà chị vừa xem đấy".
Như nhận thấy đã chiếm mất nhiều thì giờ của Tổng Bí thư, cô phóng viên đứng dậy, đến gần chỗ đồng chí Đỗ Mười và nói: "Cháu xin lỗi vì đã chiếm nhiều thời gian của bác. Cháu rất cảm ơn bác đã cho cháu đến nhà và được bác đón tiếp rất thân tình".
Đồng chí Đỗ Mười nói: "Tôi cũng rất cảm ơn chị. Chị là người có cảm tình với Việt Nam. Những năm công tác ở Việt Nam chị đã có đóng góp. Chúng ta ăn ở bao giờ cũng biết điều, bao giờ cũng nghĩ đến việc thiện. Làm được những việc thiện là một điều rất đẹp đẽ và rất có hậu".
Ít lâu sau trên đài BBC, cô phóng viên này có bài Được thăm nhà ông Đỗ Mười, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lại nói về ngôi nhà mà hiện nay đồng chí Đỗ Mười cùng với gia đình đang ở tại 11 Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội. Đây là ngôi nhà hai tầng có từ thời Pháp thuộc. Sau khi hòa bình lập lại, ta về tiếp quản Thủ đô. Bộ Nội thương đã bố trí cho đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Bộ trưởng cùng với một số cán bộ đến ở. Nói là một biệt thự nhưng cũng rất bình thường. Tầng một có 3 phòng: phòng lớn vừa làm việc, vừa tiếp khách, cạnh đó là bàn ăn; phòng bên cạnh là thư viện gồm nhiều kệ sách với gần vạn quyển, 1 phòng nhỏ để đồ lặt vặt. Tầng hai cũng có 3 phòng: 2 phòng dành cho con cháu, 1 phòng là của đồng chí và đồng chí bảo vệ nằm cạnh. Còn đằng sau nhà là dãy nhà bếp và nhà của các đồng chí cảnh vệ.
Đã nhiều lần các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng khi đến thăm đồng chí Đỗ Mười đều thấy nơi ở không tiện, mỗi lần đi về hoặc khách đến đều phải xuống xe từ ngoài đường. Các đồng chí ấy đã chỉ thị cho Ban Tài chính - Quản trị Trung ương là đổi nhà để đồng chí Đỗ Mười lên đường Phan Đình Phùng ở, vừa động rãi, tiện lợi, lại gần với cơ quan Trung ương và Chính phủ. Nhưng đồng chí không đồng ý. Đồng chí nói ở như thế này là được rồi, vừa gần gũi với nhân dân, vừa ít điều tiếng.
Ở phường Phạm Đình Hổ, mọi người ai cũng biết rõ đồng chí Đỗ Mười và chị Tạ Thị Thanh - vợ của đồng chí - một người phụ nữ hiền lành, phúc hậu, sống rất giản dị, biết giữ gìn cho chồng, cho con, không làm điều gì để ảnh hưởng đến uy tín và công việc của chồng. Chị là một bác sĩ phụ sản, Phó Giám đốc bệnh viện C, Hà Nội, rất tận tụy với công việc. Các y bác sĩ và cán bộ nhân viên trong bệnh viện cũng như bệnh nhân, ai cũng đều khen ngợi chị về tinh thần làm việc và thái độ ân cần, vui vẻ đối với mọi người.
Từ ngày chị Thanh mất, đồng chí Đỗ Mười rất thương nhớ, đồng chí vẫn sống một mình với con, với cháu, với anh em cảnh vệ ở trong nhà. Hàng ngày đồng chí cặm cụi đọc sách, nghe đài, tìm hiểu những cái mới để góp ý kiến với Trung ương, Chính phủ hoặc gặp gỡ bạn bè đồng chí các nhà khoa học, các nhà kinh tế để đàm luận, bàn bạc công việc của đất nước. Đồng chí vẫn giữ giờ giấc như thuở còn đi làm.
Khi đồng chí Đỗ Mười 90 tuổi, tôi đã tặng đồng chí mấy vần thơ:Chín mươi năm cuộc đời anh gian khổAnh hết lòng vì Đảng, vì dânSống trong sạch, làm việc chuyên cần.Chung thủy với vợ con, tận tình với bạn bè, đồng chí.
Đến hôm nay, anh không hề nghỉVẫn ngày đêm say sưa ngẫm nghĩTrên từng trang sách, sử, cuộc đờiĐể tìm cho đất nước ngày mai
Làm sao cho dân ấm no, tự do, hạnh phúcLàm sao cho nước nhà vững bền độc lậpAi cũng có cơm ăn, áo mặc, học hànhXã hội công bằng, dân chủ, văn minh
Sức của ta làm ra tất cả.Anh mong sao con đường công nghiệp hóaPhải tiến nhanh, tiến mạnh, kịp thờiGiữa thế kỷ này, đất nước Rồng bayTâm huyết của anh là như thế đó...
Đúng như vậy, kể từ khi còn là Phó Thủ tướng, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Tổng Bí thư, lúc nào đồng chí cũng quan tâm đến hai vấn đề là quốc sách, cốt lõi, đó là con đường công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì lúc nào đồng chí cũng trăn trở. Đã hơn 30 năm kể từ ngày thống nhất đất nước đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một ngành công nghiệp nặng tầm cỡ, trong đó bao gồm cả cơ khí nặng, cơ khí chính xác, cơ khí điện tử... Đồng chí quan niệm: chính hệ thống công nghiệp nặng là nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nó chẳng những có khả năng đưa nông nghiệp mà còn dẫn dắt cả hệ thống các ngành công nghiệp lên trình độ tiên tiến.
Khi làm việc với các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm, đồng chí thường trích dẫn những lời nói của Bác Hồ để các đồng chí ấy càng quan tâm hơn đến vấn đề công nghiệp. Ví dụ, Bác Hồ nói: "Một nước độc lập, ắt phải có công nghiệp nặng"1, hoặc: "Nhiệm vụ của công nghiệp nặng rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Để nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng"2.
Đồng chí thường nói: Tình hình hiện nay, máy cho sản xuất, máy cho tiêu dùng, máy lớn, máy nhỏ đều phụ thuộc vào nước ngoài, hàng năm phải nhập hàng tỷ đôla cho máy móc, phụ tùng, thiết bị. Nếu chúng ta có được một nền công nghiệp mạnh, cơ khí mạnh thì đỡ biết bao nhiêu. Đồng chí cho rằng đây là cái yếu cơ bản của nền kinh tế. Cho nên trong thời gian tới, chúng ta phải tập trung sức khắc phục yếu kém đó và đây cũng là thực hiện tốt những tư tưởng của Bác Hồ.
Cũng như vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vấn đề giáo dục - đào tạo là vấn đề mà đồng chí luôn quan tâm. Đồng chí coi phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Khi còn đương chức, đồng chí thường dành thời gian về thăm các trường từ mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học, đặc biệt là trường sư phạm. Dạo ấy, sinh viên Trường Đại học Sư phạm thường kháo nhau: "Ăn như sư, ở như phạm", nghĩa là ăn uống thì kham khổ đạm bạc như sư, còn nơi ở thì cũ nát, chật hẹp như nhà tù. Nghe thấy vậy, đồng chí liền đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Quả thực là sau chiến tranh, các nhà trường của chúng ta nói chung và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nói riêng ở trong tình trạng thiếu thốn mọi bề: trường lớp chật hẹp, cơ sở vật chất và trang bị kỹ thuật nghèo nàn. Lúc bấy giờ đang là Phó Thủ tướng, đồng chí về báo cáo với Thủ tướng Phạm Văn Đồng là nên đầu tư thích đáng cho ngành giáo dục.
Chính sự quan tâm đúng lúc đó mà ít lâu sau Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã được mở mang thêm, từ trường học cho đến ký túc xá của sinh viên đều được cải thiện đáng kể. Sau Trường Đại học Sư phạm là Trường Đại học Y khoa Hà Nội và một số trường khác cũng được đồng chí quan tâm như vậy.
Tháng 1/1996, khi về dự Đại hội Đảng bộ Đại học Sư phạm Hà Nội với cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng thân ái gửi lời thăm hỏi đến các thầy, cô giáo, cán bộ, nhân viên, sinh viên, học sinh toàn trường và trong cả nước. Đồng chí nói: "Từ lâu, tôi hết sức quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo nói chung và các trường sư phạm nói riêng. Quý trọng ông thầy và nghề dạy học là một giá trị của văn hóa Việt Nam, thấm nhuần truyền thống "tôn sư trọng đạo". Thầy, cô giáo cùng với nhà trường là nơi tiếp nối, duy trì, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Chính các thầy, cô giáo và nhà trường sáng tạo ra giá trị cao quý nhất là những con người có đủ phẩm chất và năng lực để tạo ra mọi giá trị khác cho cuộc sống của bản thân gia đình, cộng đồng và đất nước...".
Đồng chí khen ngợi những năm qua, trường đã đạt được những thành tích to lớn trong việc đào tạo đội ngũ thầy, cô giáo cho tất cả các cấp học từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học. Tuy nhiên, còn nhiều điều chưa được như mong muốn. Đại hội của trường có trách nhiệm tìm cách giải quyết những khó khăn, tồn tại, khuyết điểm để vươn lên giữ vững danh hiệu đầu đàn của một trung tâm sư phạm lớn nhất, phát huy tác dụng đối với toàn bộ hệ thống sư phạm trong cả nước.
Trên đây là một vài nét về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng vì Đảng, vì dân của Thủ trưởng tôi. Nếu kể cho hết cả quá trình 70 năm hoạt động cách mạng, cả những việc mà đồng chí đã làm, đã kinh qua thì nhiều lắm, không sao kể hết.
Gần 40 năm được vinh dự phục vụ đồng chí Đỗ Mười, tôi đã học tập ở đồng chí rất nhiều. Điều đầu tiên là đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tấm lòng trong sáng, đầy nhiệt huyết đối với nhân dân, với đất nước ở đồng chí./.
Phan Trọng Kính - Trợ lý Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười