trump_kim_summit_hvda.jpg
Một trong những sự kiện ngoại giao quan trọng thu hút sự quan tâm hàng đầu của thế giới trong những tháng đầu năm 2019 là việc Việt Nam được lựa chọn là nơi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2. Đây được coi là minh chứng rõ về sự tin tưởng của Mỹ và Triều Tiên cũng như cộng đồng quốc tế về khả năng đứng ra đảm nhiệm việc tổ chức một trong những sự kiện quốc tế quan trọng nhất trong năm qua. Ảnh: Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AP
Sau khi Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 kết thúc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã có chuyến thăm chính thức tới Việt Nam trong các ngày 1-2/3. Đây được coi là sự kiện mang tính chất lịch sử trong quan hệ ngoại giao giữa 2 nước. Chuyến thăm của ông Kim Jong-un diễn ra gần 55 năm sau khi cố Chủ tịch Kim Nhật Thành thăm Việt Nam vào tháng 11/1955. Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un duyệt đội danh dự
Với số phiếu kỷ lục 192/193, ngày 7/6, Việt Nam đã chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Đây là lần thứ hai Việt Nam nắm giữ trọng trách này. Lần đầu tiên là nhiệm kỳ 2008-2009 với Việt Nam là Chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng 07/2008 và tháng 10/2009. Ảnh: Đoàn Việt Nam vui mừng sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố
Trong nhiệm kỳ 2, Việt Nam sẽ tập trung vào 3 lĩnh vực trụ cột bao gồm: tăng cường phối hợp giữa Hội đồng Bảo an và các tổ chức khu vực trong việc phòng ngừa xung đột; tái thiết và xây dựng hòa bình sau xung đột; và tăng cường bảo vệ dân thường cũng như thúc đẩy các công việc của Hội đồng Bảo an liên quan tới phụ nữ, hòa bình, an ninh, trẻ em và các cuộc xung đột vũ trang. Ảnh: Đại diện Việt Nam chụp ảnh cùng đại diện 4 nước khác được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc
Với việc trúng cử cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đang chứng tỏ uy tín và tiếng nói có trọng lượng của mình trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ thay thế Kuwait đại diện nhóm châu Á- Thái Bình Dương và theo cơ chế luân phiên, Việt Nam sẽ là Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngay trong tháng 01/2020. Ảnh: Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung họp báo sau lễ bỏ phiếu
Trong 2 ngày 28-29/6 tại Nhật Bản, đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản. Năm nay, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách khách mời đặc biệt. Điều này thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với uy tín và vị thế của Việt Nam, một đối tác tin cậy, có trách nhiệm đối với hoà bình, an ninh và phát triển trong khu vực. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân đặt chân xuống sân bay quốc tế Kansai, Nhật Bản. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị G20, chia sẻ tầm nhìn, ý tưởng hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu, vì một thế giới hoà bình, thịnh vượng, không để ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các phiên họp, hoạt động quan trọng của Hội nghị Thượng đỉnh G20. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN.
Ngày 30/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành chứng kiến lễ ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA). Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Hai hiệp định này quan trọng như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối gần hơn EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau”. Ảnh: Lễ ký kết EVFTA và EVIPA
EU nhận định, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước tới nay” mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam. Trong giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ, và giai đoạn tiến tới xóa phần còn lại là 7 năm. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ ký kết
Trong các ngày 2-4/11 đã diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN 35 và các hội nghị liên quan. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự. Ảnh: Thủ tướng và Phu nhân được chào đón tại sân bay quân sự Bangkok. Ảnh: Chinhphu.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chương trình làm việc khẩn trương với nhiều hoạt động, cả song phương và đa phương: Dự và phát biểu tại 11 hội nghị, cuộc họp; gặp gỡ, làm việc với 19 đối tác lớn: Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Thủ tướng các nước Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Cố vấn An ninh Hoa Kỳ, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Hoàng tử Anh... Ảnh: Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Phiên toàn thể Hội nghị Cấp cao ASEAN 35 và các Cấp cao liên quan. Ảnh: Chinhphu.vn
Đặc biệt, vào đêm 4/11, tại lễ chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận chiếc “búa Chủ tịch ASEAN” từ Thủ tướng Thái Lan và công bố chủ đề cùng một số định hướng lớn của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020. Ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận chiếc “búa Chủ tịch ASEAN” từ Thủ tướng Thái Lan. Ảnh: Chinhphu.vn
Năm 2020 là một mốc thời gian đặc biệt quan trọng, đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam trở thành thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Mốc son 25 năm gia nhập ASEAN sẽ càng có ý nghĩa hơn, là cơ hội để Việt Nam chứng minh vai trò và trách nhiệm của mình nhiều hơn khi Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN sau đúng 10 năm. Ảnh: Lãnh đạo các nước ASEAN nắm tay thể hiện tình đoàn kết.
Từ 12-14/5 tại Tam Chúc, tỉnh Hà Nam đã diễn ra Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc - Vesak 2019. Đây là một trong các hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Việt Nam đã 2 lần đăng cai tổ chức sự kiện Phật giáo quốc tế này. Ảnh: Một tiết mục nghệ thuật tại Đại lễ
Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc năm 2019 là sự kiện đối ngoại quan trọng góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tăng cường mối quan hệ giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với Giáo hội và các truyền thống Phật giáo các nước trên toàn thế giới. Đại lễ góp phần khẳng định nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nỗ lực của Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy hòa bình, hòa hợp giữa các tôn giáo và các nền văn hóa. Ảnh: Nghi thức thả đèn hoa đăng trong lễ cầu quốc thái dân an tại Đại lễ./.