Trao đổi với báo chí bên lề Phiên họp chuyên đề về “Tăng cường sự tham gia, đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương trong xử lý các thách thức an ninh phi truyền thống” diễn ra tối 23/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, những đóng góp của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Điều này thể hiện vai trò, trách nhiệm của Việt Nam trong triển khai các yêu cầu, cam kết của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương theo luật pháp quốc tế.
Tuy nhiên, chủ đề của Phiên họp cũng cho thấy vấn đề lớn với đối ngoại đa phương hiện nay là các thách thức phi truyền thống.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, Phiên họp lần này nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 với trọng tâm đẩy mạnh đối ngoại đa phương trong giai đoạn mới, tập trung vào những thách thức an ninh phi truyền thống, đang là mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế như dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước…
“Trong thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, thành tựu có ý nghĩa trong đối ngoại đa phương, tuy nhiên, một số vấn đề cần được triển khai cụ thể hơn như: Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành; việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược tham gia vào các cơ chế đa phương; đề xuất những chủ trương, sáng kiến thúc đẩy sự hợp tác trong tác diễn đàn đa phương cũng như giải pháp cân bằng, hài hòa giữa lợi ích quốc gia dân tộc với lợi ích của cộng đồng thế giới”, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nói.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang cũng khẳng định, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư ra đời năm 2018, cùng với đó là đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII đã thể chế hóa chủ trương hết sức quan trọng trong đường lối đối ngoại, đó là nâng tầm, nâng cao hiệu quả của đối ngoại đa phương. Ngay sau khi Chỉ thị 25 ra đời, Việt Nam đã gặt hái được nhiều kết quả của ngoại giao đa phương với việc tổ chức rất thành công Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, chủ trì năm Chủ tịch ASEAN 2020, đảm nhiệm trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Việc nắm giữ những vai trò quan trọng như vậy thể hiện rõ Việt Nam thực sự là một thành viên trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Đặc biệt, sau khi Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua đường lối đối ngoại giai đoạn mới, Việt Nam đã nhận được nhiều tin vui về đối ngoại đa phương trong năm 2021. Bên cạnh việc tiếp tục đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã trúng cử, chỉ định, tham gia rất nhiều cơ chế, diễn đàn của Liên Hợp Quốc. Điển hình là Việt Nam tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật pháp Quốc tế của Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2027, trúng cử vào Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, được bầu vào Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trúng cử thành viên Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới.
Tất cả những vai trò trên cùng việc tích cực đưa ra những sáng kiến, đề xuất giải quyết những vấn đề toàn cầu, Việt Nam đã thể hiện tính đúng đắn của đường lối đối ngoại nói chung cũng như chủ trương nâng tầm hiệu quả đối ngoại đa phương nói riêng được đề ra trong Chỉ thị 25 cũng như đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Đây là những dấu ấn hết sức quan trọng, khẳng định vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời đem lại những nguồn lực, là cơ sở để nâng cao kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong nước giai đoạn mới.
Cùng với đó, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy mối quan hệ song phương với các nước có vai trò chủ chốt trên thế giới cũng như trong khu vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển chung của nhân loại.
Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng Giang, có thể nói, đạt được những thành tựu trên, trước hết là nhờ sự đúng đắn của đường lối đối ngoại và tầm nhìn chiến lược của Đảng ta trong thúc đẩy đường lối đối ngoại đa phương: “Một điểm hết sức quan trọng, đối ngoại đa phương đã thực sự được triển khai với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tất cả các bộ, ngành đều tham gia tích cực, phối hợp triển khai nhiệm vụ của mình trong đối ngoại đa phương, cùng chung tay giải quyết các vấn đề đặt ra. Sự chỉ đạo, tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao tại các diễn đàn đã phương cũng góp phần tạo “thế và lực” trong triển khai nhiệm vụ tại các diễn đàn đa phương. Qua việc tham gia các diễn đàn đa phương này, Việt Nam cũng đào tạo được một lực lượng triển khai công tác đối ngoại đa phương hết sức bài bản, chuyên nghiệp”./.