Đó là thông điệp phát đi từ Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, tại Hội nghị Quan chức cấp cao trù bị cho Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy, tổ chức tại Hà Nội vào sáng 17/10.

vov_hoi_nghi_hekk.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Theo đó, Hội nghị diễn ra trong 3 ngày (17-19/8) với sự  tham dự của hơn 100 đại biểu đến từ các nước trong khu vực ASEAN và đại diện Ban thư ký ASEAN. Theo chương trình nghị sự, ngày 17/10 diễn ra hội nghị quan chức cấp cao trù bị cho hội nghị AMMD, ngày 18/10 sẽ diễn ra hội nghị cấp Bộ trưởng AMMD lần thứ 6.

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Phạm Văn Các nhấn mạnh, bối cảnh tình hình ma túy thế giới ngày càng diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê của Văn phòng Liên Hiệp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), có ít nhất khoảng 250 triệu người, tương đương 5% dân số thế giới đang sử dụng ma túy. Khu vực Đông và Đông Nam Á hiện có hơn 3 triệu người sử dụng heroin và hơn 5 triệu người sử dụng ma túy tổng hợp. Thế giới đang phải đối mặt với sự xuất hiện và gia tăng các chất hướng thần mới. Khu vực Tam giác vàng bao trùm nhiều nước thành viên ASEAN, tiếp tục là "điểm nóng" về trồng cây thuốc phiện và đang nổi lên là trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp của thế giới,…

Cùng với đó, sự phát triển về công nghệ kéo theo thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng lôi kéo, mua chuộc các chuyên gia về hóa học nghiên cứu, phát minh ra nhiều loại ma túy mới. Nhiều loại tiền chất, hóa chất mới không nằm trong danh mục kiểm soát của các Công ước quốc tế được chúng sử dụng điều chế ma túy tổng hợp. Các trang Web đen, các chợ ma túy trên internet đang ngày càng phát triển. Một số quốc gia trên thế giới đang xuất hiện xu hướng hợp pháp hóa sử dụng ma túy,…

Để kịp thời ứng phó với tình hình ma túy hiện nay, người đứng đầu lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy của Việt Nam cho rằng, ASEAN cần tập trung tăng cường hiệu quả, chất lượng nghị sự của các kỳ Hội nghị cấp Quan chức cao cấp và cấp Bộ trưởng, bám sát diễn biến, tình hình ma túy thế giới và khu vực để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các nội dung nghị sự, đảm bảo vai trò tham vấn, định hướng chung về chính sách phòng, chống ma túy trong khối ASEAN. Đồng thời, với các sáng kiến, cơ chế hợp tác đã có, cần đẩy mạnh các hoạt động đi vào thực chất, đa dạng về nội dung, hình thức triển khai, tạo sự gắn kết và phát huy các thế mạnh của từng quốc gia cũng như sức mạnh tổng thể của các quốc gia trong khối ASEAN.

Thiếu tướng Phạm Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Doãn Tuấn)

"Trong lĩnh vực này, thông tin là yếu tố cốt lõi. Do đó, cần phải phát huy hơn nữa hiệu quả trao đổi, xử lý thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ các đối tượng, đường dây sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Tích cực cung cấp, chia sẻ thông tin giữa các quốc gia ASEAN để phục vụ công tác đấu tranh hiệu quả với loại tội phạm này...", Thiếu tướng Phạm Văn Các khẳng định.

Dự kiến tại hội nghị, đại biểu các nước sẽ thông qua tuyên bố chung ASEAN về vấn đề ma túy để trình bày tại phiên họp cấp cao hội nghị Ủy ban phòng, chống ma túy quốc tế tổ chức năm sau. Đồng thời, thảo luận và thông qua tuyên bố của Chủ tịch hội nghị AMMD 6.

Hội nghị AMMD được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2012 tại Thái Lan, với mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN không ma túy. Việt Nam đã tham gia 5 kỳ hội nghị, lần lượt được tổ chức ở Thái Lan, Brunei, Indonesia, Malaysia và Singapore.

Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy sẽ được tổ chức 2 năm một lần theo thể thức luân phiên, bắt đầu từ năm 2016./.

WEF-ASEAN 2018 và dấu ấn Việt Nam

VOV.VN -Dấu ấn Việt Nam thể hiện ở sự năng động, cởi mở, hiếu khách, năng lực kết nối, điều phối và tổ chức những sự kiện tầm cỡ quốc tế.