Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư tại kỳ họp thứ 14, ngay sau khi truyền đi trên các phương tiện thông tin đại chúng đã nhận được sự hoan nghênh, đồng tình cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở mọi miền đất nước.

Trong đó, đáng chú ý là việc xử lý, đề nghị xử lý vi phạm tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 - 2015 và các cán bộ liên quan.

Những ngày qua, các tầng lớp nhân dân, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến thông tin này và tin tưởng, kỳ vọng vào sự nghiêm minh của Đảng, mà trực tiếp là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII.

Những cán bộ sai phạm cần được xử lý đúng pháp luật, bất kể người đó là ai; cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải chịu trách nhiệm về những vi phạm và hậu quả đã gây ra.

Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư tại kỳ họp thứ 14 vừa qua, vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy PVN giai đoạn 2009 - 2015 là rất nghiêm trọng, như thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên; không kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm đối với nhiều cán bộ lãnh đạo đơn vị thuộc Tập đoàn; Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật; Có cán bộ trong các đơn vị kinh doanh thua lỗ nhiều năm vẫn được Tập đoàn bổ nhiệm chức vụ cao hơn,…

Hậu quả là một số đơn vị kinh doanh thua lỗ (Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng; HĐTV và một số đơn vị thành viên có vi phạm rất nghiêm trọng, để mất vốn đầu tư gần 900 tỷ đồng); có cán bộ bị khai trừ Đảng, xử lý hình sự, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Tập đoàn. Nhiều khoản đầu tư của Tập đoàn bị tổn thất, tiềm ẩn rủi ro khó thu hồi vốn đầu tư với số tiền rất lớn.

Những sai phạm ở PVN và các cá nhân liên quan là rất nghiêm trọng, vừa làm thất thoát khối lượng lớn tài sản Nhà nước, vừa làm giảm lòng tin của nhân dân đối với chế độ và đội ngũ cán bộ của Đảng, không thể không xử lý, kỷ luật.

Trách nhiệm đó thuộc về tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV, nhất là người đứng đầu PVN giai đoạn để xảy ra vi phạm nêu trên. Qua đó, cho thấy, vai trò của tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước chưa được phát huy, nhất là công tác kiểm tra, giám sát; nếu công tác này tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, sẽ sớm phát hiện, ngăn chặn kịp thời vi phạm, không để xảy ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.

Đặc biệt là người đứng đầu doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao, thậm chí làm trái quy định của pháp luật, không chấp hành nghiêm một số ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Có công thì thưởng, có tội thì phạt, phải xử lý đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đó là quan điểm nhất quán của Đảng ta từ trước đến nay, nhằm giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, làm trong sạch đội ngũ cán bộ các cấp, xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ.

Ngay từ khi đất nước mới giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo các tệ nạn tham ô, hủ hóa cần sớm có biện pháp ngăn chặn. Khi biết tin Đại tá, Giám đốc Nha Quân nhu Trần Dụ Châu can tội biển thủ công quỹ, nhận hối lộ, Người rất khổ tâm, và nói dứt khoát, một cái ung nhọt, dẫu có đau cũng phải cắt bỏ, không để nó lây lan, nguy hiểm.

Trong quá trình lãnh đạo công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ta luôn chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, và chính nhờ đó, Đảng mới đủ sức lãnh đạo xây dựng đất nước có được cơ đồ như ngày nay.

Đảng, nhân dân luôn ghi công, tôn vinh những người hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời kiên quyết đấu tranh ngăn chặn những việc làm trái pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống của người cán bộ, đảng viên, vì thế một số cán bộ cấp cao đã bị xử lý kỷ luật đúng mức, nghiêm minh, thậm chí có người phải vào tù. Đó là những cán bộ liên quan sai phạm khi làm đường dây 500 kW; dự án thủy cung Thăng Long; vụ án Lã Thị Kim Oanh ở Công ty Tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…

Trong những năm gần đây, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Đảng, nhiều vụ việc, vụ án lớn, phức tạp đã được khởi tố, truy tố, điều tra, xét xử với nhiều mức án, hình thức kỷ luật thỏa đáng, như một số cán bộ liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang; cán bộ liên quan sự cố về môi trường tại bốn tỉnh miền trung.

Phải xem xét, xử lý kỷ luật một tổ chức, hoặc cá nhân nào là việc làm không ai muốn, có khi rất đau lòng, nhưng đó là đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống, vừa thể hiện trách nhiệm với nước, với dân, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, vừa là tính nghiêm minh của kỷ luật đảng, là việc làm cần thiết bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tạo niềm tin, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, để không ngừng xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, ngày 24/2/2017: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”./.