https://streaming1.vov.vn:8443/audio/vovvn1_vov1.stream_aac/playlist.m3u8

Hôm nay 4/11, Quốc hội tiếp dành cả ngày thảo luận ở Hội trường về tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước. Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, đóng góp những giải pháp phát triển kinh tế-xã hội sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ gây ra.

anh nghi truong.jpg

Các đại biểu cho rằng năm 2020 là một năm khó khăn, đất nước đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề chưa từng có do dịch bệnh, thiên tai khó lường. Với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, sáng tạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Các đại biểu cho rằng, báo cáo của Chính phủ đã đề cập đến nhiều nhiệm vụ và giải pháp có tính khả thi cao để vừa sẵn sàng chủ động ứng phó, giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 và thiên tai bão lũ gây ra, vừa để phục hồi, phát triển kinh tế trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Theo các đại biểu, hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra sẽ còn ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến kinh tế nước ra. Vì vậy, Chính phủ cần tập trung thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu để làm giảm các thiệt hại do thiên tai gây ra và sớm ổn định cuộc sống của người dân.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang, đoàn Quảng Ngãi, nêu ý kiến: “Tiếp tục chỉ đạo việc hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ phân bổ kịp thời ngân sách năm 2020-2021 nhu yếu phẩm, thuốc phòng dịch bệnh, vật tư cho các tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do ngập úng bão lũ; tăng cường chỉ đạo quyết liệt nhằm ứng phó với các cơn bão thiên tai trong những tháng mùa mưa cuối năm nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại. Thứ hai là chỉ đạo phân tích đánh giá và công bố thông tin chính thống về những nguyên nhân khách quan, chủ quan về biến đổi khí hậu thời tiết rất phức tạp và khắc nghiệt như hiện nay. Điều này sẽ khắc phục những luồng thông thông tin còn khác nhau chưa thống nhất trong nhận định các nguyên nhân gây nên hậu quả nghiêm trọng, sạt lở núi, bờ biển ngập lụt trong thời gian vừa qua”

Lo lắng về đại dịch Covid-19 và của thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng mục tiêu phát triển kinh tế -xã hội trong thời gian tới, đại biểu Nguyễn Thị Yến, đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị: “Quốc hội, Chính phủ cần có các kịch bản, những phương án giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại do đại dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới. Đối với việc khắc phục bão lũ, sạt lở ở Miền Trung, theo tôi ngoài việc bổ sung ngân sách, tập trung khắc phục hậu quả cần phân tích, đánh giá nguyên nhân, có chiến lược giải pháp căn cơ, lâu dài trong quy hoạch lại dân cư, đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực để đảm bảo để phòng, tránh thiên tai bão lũ, chống sạt lở”.

Bày tỏ tán thành các giải pháp của Chính phủ phục hồi nền kinh tế trong trạng thái bình thường mới, đại biểu Nguyễn Bá Sơn, đoàn Đà Nẵng đề nghị đánh giá kỹ hơn hiệu quả của gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng, tiếp tục có những gói hỗ trợ để khắc phục hậu quả của đợt bão lũ tại miền Trung vừa qua. Còn đại biểu Trần Văn Tiến, đoàn Vĩnh Phúc kiến nghị về các chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất kinh doanh.

“Vì đây là những đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp và nhiều nhất hai tập trung nguồn lực xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ cứu trợ người dân vùng bị thiệt hại bão lũ, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống để tiếp tục sản xuất kinh doanh như tái định cư, nhà ở, đất sản xuất, công cụ sản xuất, giống và vốn. Nhà nước cần thiết phải đầu tư mua sắm phương tiện máy móc, trang thiết bị dự trữ quốc gia để đáp ứng nhu cầu ứng cứu khẩn cấp khi xảy ra trong bất cứ tình huống nào tránh tình trạng sau nhiều ngày xảy ra sự cố vẫn không tiếp cận ứng cứu kịp thời đối với các vùng, khu vực”- đại biểu Trần Văn Tiến kiến nghị./.