Ngày 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết đầu tiên tại Kỳ họp thứ 4 - Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Điểm đáng chú ý là Quốc hội quyết nghị tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%.

Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh thế giới diễn biến bất định, khó khăn như hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đạt khoảng 6,5% là thận trọng và phù hợp. 

Cho rằng mức tăng trưởng 6,5% GDP năm 2023 là thấp so với mức 8,83% trong 9 tháng của năm nay, tuy nhiên, đại biểu Trần Đức Thuận, đoàn Nghệ An nhấn mạnh: mức tăng trưởng năm 2022 là rất phấn khởi nhưng không nên quá kỳ vọng mức tăng 2023 cao hơn nữa. Bởi năm 2023 được dự báo nhiều rủi ro, thách thức khi xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, kéo theo giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh.

“Năm 2023, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến tăng trưởng của chúng ta, đặc biệt là khi xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, tình hình xăng dầu đang có những biến động, chúng ta cũng không thể chủ quan được. Cho nên việc đề ra mức tăng trưởng 6,5%, tôi cho rằng đó là mục tiêu thận trọng và phù hợp”.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc, đoàn Hà Nội cho rằng, nền kinh tế nước ta có độ mở cao, phụ thuộc lớn vào đầu tư, xuất khẩu, thị trường thế giới. Trong nước, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, đầu tư ngoài nước. Mặc dù Chính phủ đã có những biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, nhưng không thể trông chờ phát triển đột phá thị trường trong nước:

“Trong bối cảnh thế giới khó khăn như thế này thì tâm lý của người dân là tiết kiệm, cẩn trọng hơn trong chi tiêu và doanh nghiệp cũng đang gặp những khó khăn. Trong bối cảnh như vậy, Quốc hội đề ra một chỉ tiêu tăng trưởng là 6,5% là một chỉ tiêu phải phấn đấu. Nếu như không có những biến động xấu thêm của tình hình thế giới, thì chúng ta có thể đạt được mục tiêu này. Còn nếu thị trường thế giới có những biến động bất lợi hơn, khó khăn hơn thì việc chúng ta đạt được 6,5% là một thách thức”, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhận định. 

Đề cập những giải pháp trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, nếu xử lý tốt những yếu kém nội tại, thì tăng trưởng kinh tế không chỉ năm nay mà năm sau cũng có khả năng đạt kết quả tốt hơn.

“Chúng ta phải xử lý những yếu kém nội tại của nền kinh tế như giải ngân vốn đầu tư công. Nếu giải ngân tốt thì tăng trưởng năm 2022 này có thể còn cao hơn 8%. Năm 2023 phải tập trung giải ngân vốn đầu tư công, cùng với đó thì gói 347.000 tỷ của Nghị quyết 43 chương trình chính sách tài khóa tiền tệ hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế xã hội phải tập trung để điều hòa, giải ngân tốt”, ông Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm./.