Đứng trước bụi lá ngón ngay trên quả đồi sau nhà, bà Giàng Thị Si, người Mông ở thôn Mà Sa Phìn, xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai không giấu nổi đau buồn về đứa con trai 2 năm trước đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi 18 bằng lá ngón.

“Lúc đó vợ nó đi làm thuê, nó không đồng ý mà bảo thì vợ nó không nghe, nó mới tức đi hái lá ngón về ăn để cuối cùng không cứu được. Mỗi lần nghĩ đến tôi buồn lắm”, bà Si nói.  

Mà Sa Phìn từng được mệnh danh là “thánh địa” lá ngón bởi chúng mọc dại ở khắp mọi nơi. Người Mông bản địa gọi loài cây leo hoa vàng kịch độc này là “Sua nào tùa” – có nghĩa là “cây chết người”.

Theo cô giáo Vương Thị Việt, Trường Tiểu học số 2 Nậm Xây, huyện Văn Bàn, trong số những trường hợp chịu hậu quả thương tâm vì lá ngón, ngoài những người chủ động tìm đến cái chết còn có cả trẻ em do thấy loài cây đẹp mắt tò mò hái về chơi và ăn thử. Vậy nên, lá ngón bất đắc dĩ trở thành chủ đề học tập ngay trong trường.

“Nhà trường cũng đã có nhiều biện pháp như tích hợp trong giáo dục kỹ năng sống, giúp các em nhận biết được tính độc hại của cây lá ngón, nắm được đặc điểm của cây tránh nhầm lẫn với các loại cây khác”, cô giáo Vương Thị Việt nói.

Thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến nay, toàn xã Nậm Xây có 6 trường hợp tử vong do tự tử. Trong đó, 5 người sử dụng lá ngón. Theo anh Giàng A Sênh – một người dân trong xã, thì con số này đã giảm hơn nhiều so với trước kia: “Bây giờ người dân ở đây cũng phá lá ngón đi nhiều và cũng biết sợ, hạn chế rồi”.       

Ông Triệu Phúc Thắng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nậm Xây cho hay, những người tìm đến cái chết bằng lá ngón hầu như chỉ ghi nhận ở nhóm đồng bào Mông, ở các thôn vùng cao như Mà Sa Phìn. Đáng chú ý, những năm gần đây, sử dụng lá ngón để tự tử tập trung ở nhóm thanh thiếu niên, với các lý do hết sức đơn giản như giận dỗi, ghen tuông, tình yêu bị ngăn cản.

“Tư pháp xã và các ban ngành địa phương cũng vào tuyên truyền rất nhiều nhưng người dân đã hình thành thói quen từ trước rồi nên rất khó”, ông Triệu Phúc Thắng nói.

Dù đã giảm nhưng những cái chết bằng lá ngón vì lý do không đâu vẫn còn tiếp diễn ở Nậm Xây cũng như những khu vực vùng cao khác của Lào Cai. Đây là vấn đề xã hội cần thiết phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía chính quyền và ngành chức năng./.