Ngày 1/8/2016, trong phiên họp đầu tiên diễn ra chỉ vài ngày sau khi Chính phủ khóa mới ra mắt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Ta đã bắn chỉ thiên quá nhiều, không trúng vào ai cả, bây giờ phải bắn có địa chỉ, không thể nói xong là xong việc”. Đúng 18 ngày sau, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ được thành lập với nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương.

Hơn 1 năm qua, qua các cuộc làm việc công khai với sự tham dự của báo chí, có thể thấy, nhiều vấn đề được chỉ ra thẳng thắn để từ đó có giải pháp tháo gỡ, góp phần siết chặt kỷ luật kỷ cương hành chính với mục tiêu cao nhất như tinh thần thông điệp của người đứng đầu Chính phủ là hành động, phục vụ.

Câu chuyện “sao anh kiểm tra tôi” giờ đã lãng quên

Rõ ràng, nhiệm vụ của Tổ công tác không phải dễ dàng vì để  đạt được kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ, sự mong đợi của người dân thì không thể tránh khỏi những va chạm, phải vượt qua sự “nể nang”, đòi hỏi sự thẳng thắn, khách quan và trung thực.

vov_mai_tien_dung_pqqf.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: "Quan điểm “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi” giờ đã lãng quên rồi"

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng – Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng chia sẻ, khi tiến hành kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các Bộ, ngành, địa phương thì trước hết Tổ Công tác phải nghiên cứu đầy đủ chức năng nhiệm vụ để xem kiểm tra gì, nói gì, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Tổ công tác, điểm nào truyền tải ý kiến của Thủ tướng.

“Đây là việc rất nhạy cảm, rất va chạm” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh điều này, vì khi Tổ Công tác thực hiện kiểm tra những đơn vị đầu tiên đã có câu chuyện “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, tại sao anh kiểm tra, phê bình tôi!”.  

“Chúng tôi kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao chứ không phải là cơ quan thanh tra, kiểm tra, không mang tính bới móc, soi mói mà cùng tìm ra lý do chưa hoàn thành, phối hợp để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn” – ông Mai Tiến Dũng nói.

Tất nhiên, để tăng tính thuyết phục, Văn phòng Chính phủ cũng phải đi đầu, sẵn sàng nhận lỗi nếu như tham mưu cho Thủ tướng giao Bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ đó không đúng ngay cả về thời gian hay điều kiện thực hiện. Qua đó giúp Thủ tướng đánh giá được thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương. Quan trọng nhất là góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách ban hành đi vào cuộc sống.

Từ 1/1/2017 đến 31/12/2017, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 21.914 nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan, địa phương. Nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành chỉ chiếm 1,38% (nhiệm vụ quá hạn năm 2014 là: 28,9%; năm 2015 là 26,7%; năm 2016 thì trước tháng 7/2016 thời điểm chưa có Tổ công tác của Thủ tướng là 25%, đến 31/12/2016 còn 3,2%).
Câu chuyện “trên nóng dưới lạnh”, trên chuyển dưới không chuyển, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, cũng nói lên điều quan trọng là phải có sự chuyển động từ chính cơ quan tham mưu trực tiếp. Tổ Công tác của Thủ tướng truyền tải chỉ đạo của Thủ tướng tạo ra động lực để các Bộ trưởng, người đứng đầu địa phương chỉ đạo quyết liệt hơn. Sự lan tỏa đó thể hiện qua việc các Bộ, tỉnh thành có Tổ công tác giúp cho Bộ trưởng và Chủ tịch tỉnh đôn đốc công việc.

“Quan điểm “anh cũng là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao anh kiểm tra tôi” giờ đã lãng quên rồi, vì thực ra chúng tôi giúp cho các Bộ và địa phương làm việc tốt hơn, xử lý những vướng mắc trong phối hợp” – ông Mai Tiến Dũng chia sẻ, đồng thời cho biết, sau một thời gian ngắn, nhiều Bộ trưởng rất mong Tổ Công tác về giúp Bộ.

Công khai và thẳng thắn

Một trong những điểm đáng chú ý trong các cuộc kiểm tra của Tổ Công tác của Thủ tướng là luôn có sự tham dự của hơn 15 cơ quan báo chí, phản ánh đầy đủ, trung thực, không có “vùng cấm”. Được biết, ban đầu đơn vị được kiểm tra không “hoan nghênh” điều này. Cũng không quá khó hiểu vì ngoài những mặt tích cực được Thủ tướng biểu dương thì những tồn tại, hạn chế, yếu kém cũng được Tổ Công tác truyền đạt thẳng thắn để rồi người dân tiếp nhận qua báo chí.

Còn nhớ, ngay sau cuộc làm việc đầu tiên của Tổ Công tác, Thủ tướng đã gọi Bộ trưởng Mai Tiến Dũng lên để nhắc nhở khi không thấy báo chí truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng về những những vấn đề cần kiểm điểm khi còn tư tưởng xin - cho, co kéo lợi ích về Bộ được kiểm tra… Nhắc lại điều này để thấy rằng, với sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ thì Tổ công tác phải không ngại va chạm, phải công khai minh bạch.

“Thủ tướng rất công khai minh bạch, có cơ quan báo chí đi cùng nên nếu Tổ Công tác nói sai, kiểm tra sai thì không được. Còn đã kiểm tra đúng rồi thì yêu cầu các Bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc” – ông Mai Tiến Dũng cho biết và nhấn mạnh Tổ Công tác khi làm việc là khách quan, rõ ràng.

Chính phủ phục vụ mà không cung cấp đầy đủ, công khai thông tin với người dân thì không thể hiện được điều đó. Xác định rõ điều này nên ngoài kiểm tra, Thủ tướng còn quyết định thành lập website tiếp nhận ý kiến của người dân và doanh nghiệp và đến nay đã tiếp nhận gần 6.000 ý kiến. Việc trả lời cũng được đăng công khai để thấy rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, cũng có cơ quan đơn vị, địa phương thực hiện chưa nghiêm túc việc này, trong đó có vai trò người đứng đầu.

Cơ quan hành chính cấp trên yêu cầu địa phương giải quyết như vậy cũng tạo sức ép nhưng nếu anh làm tốt thì đã không như thế. Phần lớn doanh nghiệp, người dân phản ánh là đúng, hiện tượng bức xúc nhưng không được cơ quan có thẩm quyền giải quyết là có thật” – ông Mai Tiến Dũng nhấn mạnh chính sự công khai minh bạch tạo cho các cấp hành chính bên dưới thực hiện nghiêm túc hơn.

“Tại sao giải quyết công việc chậm, tại sao ì ạch? Do anh giỏi quá nên “đánh võng”, nhiêu khê, sách nhiễu hoặc là anh không đủ năng lực, không dám tham khảo xung quanh, không dám đề xuất, xử lý vì sợ sai” – Bộ trưởng Mai Tiến Dũng.
Nói về yêu cầu phải “bắn trúng đích”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, sau hơn 1 năm, công việc của Tổ Công tác cũng đạt được mong đợi ban đầu của Thủ tướng Chính phủ.

Việc kiểm tra không phải “cưỡi ngựa xem hoa” mà kiểm tra có mục tiêu theo từng thời kỳ, như khi thành lập Chính phủ mới thì ưu tiên cao nhất phải rà soát lại để hoàn thiện thể chế, tiếp đến là kiểm tra để cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức cho doanh nghiệp, cắt bỏ rào cản trong kiểm tra chuyên ngành và các điều kiện liên quan. Trong hơn 40 lần kiểm tra Bộ ngành, địa phương, Tổ Công tác tiến hành 9 cuộc kiểm tra chuyên ngành và thấy rằng đã “bắn đúng đích, đi đúng đường”.

“Chuyện va chạm là bình thường nhưng tôi đôn đốc có phải mang về nhà tôi đâu. Thủ tướng quyết tâm như thế thì không thể khác được. Áp lực không chỉ với riêng tôi mà với tất cả các bộ ngành, địa phương vì một Chính phủ hành động” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng chia sẻ, đồng thời cho biết, năm 2018 vẫn tiếp tục đặt vấn đề kỷ luật, kỷ cương./.