Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, WB luôn là một đối tác rất quan trọng và tin cậy đã hỗ trợ tích cực để Việt Nam là một trong những quốc gia sớm cụ thể hoá các Mục tiêu phát triển bền vững vào chương trình nghị sự quốc gia, các luật, nghị quyết của Quốc hội và hành động của Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết rất mạnh mẽ đến năm 2050 đưa mức phát thải ròng về bằng 0. Đây là mức cam kết ngang bằng với các nước châu Âu, thể hiện quyết tâm rất cao và trách nhiệm của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Để thực hiện các mục tiêu này, ngoài nỗ lực của Việt Nam thì cần phải có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có WB.
Nêu ra vấn đề bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích và chi phí, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, WB cần có tiếng nói, giải pháp và cách thức hỗ trợ các nước để đạt được mục tiêu toàn cầu, nhưng không tạo ra hố sâu ngăn cách lớn giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.
Hiện nay, Quốc hội Việt Nam cũng đang tham vấn các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc Mạng lưới sáng kiến của Quốc hội Việt Nam về chủ đề, nội dung Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022. Chủ tịch Quốc hội mong WB và Giám đốc WB tại Việt Nam nghiên cứu, đề xuất, tư vấn cho Quốc hội Việt Nam về vấn đề này và tham dự Diễn đàn, đóng góp ý kiến cho Quốc hội Việt Nam.
Về khung khổ hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội gợi mở hai bên cần tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược của Việt Nam. Trong đó, về chiến lược hoàn thiện thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho biết, hệ thống pháp luật của Việt Nam hiện đã tương đối đầy đủ, nhưng giai đoạn tới cần nâng cao chất lượng, trình độ để đáp ứng yêu cầu kiến tạo, phát triển và hội nhập quốc tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong thời gian tới, WB quan tâm, ưu tiên hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện “hạ tầng mềm”, hỗ trợ tài chính, kỹ thuật. Về “hạ tầng cứng”, WB tư vấn, hỗ trợ Việt Nam xây dựng các hạ tầng trọng điểm quốc gia có tính chất liên vùng, tạo động lực lan toả, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh WB đã và đang có nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ khu vực này trong thích ứng với biến đổi khí hậu; đề nghị cần có các hỗ trợ cả về giải pháp công trình và phi công trình; WB có tiếng nói nhiều hơn trong việc tăng cường hợp tác tiểu vùng sông Mê Kông, vấn đề an ninh nguồn nước.
Chia sẻ mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng giám đốc Axel van Trotsenburg nêu rõ, WB mong muốn tìm hiểu các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và WB trong thời gian tới, đặc biệt là hợp tác trong các lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long nói riêng; thực hiện các mục tiêu cam kết tại Hội nghị COP 26 và sẵn sàng chuẩn bị các kịch bản để ứng phó với các dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.
Tổng giám đốc WB cho rằng, với rất nhiều thay đổi đang diễn ra trên thế giới và tác động tới Việt Nam, đây là thời điểm phù hợp để nghiên cứu, xem xét để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển đến năm 2030 và 2045. Dự kiến sẽ được thực hiện tại Báo cáo Việt Nam 2045. Hiện WB và Chính phủ Việt Nam đang phối hợp xây dựng Khung Chiến lược hợp tác giữa hai bên cho giai đoạn 2023 - 2027.
Bày tỏ đồng tình với quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về định hướng hành động trong thời gian tới, Tổng Giám đốc WB cho biết, WB đã tăng thêm 50% số tiền cam kết hợp tác với các quốc gia giai đoạn sau Covid-19 lên 200 tỉ USD. Sự hỗ trợ này để các nước có thể ứng phó nhanh chóng trước khủng hoảng, đồng thời có tầm nhìn dài hạn, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững.
Trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, từ năm 2019 đến nay, WB đã tăng số tiền từ 14 tỉ USD lên 26 tỉ USD để giúp ứng phó với những thách thức do biến đổi khí hậu. Về lĩnh vực này, Tổng Giám đốc WB mong muốn là đối tác hiệu quả của Việt Nam./.