Nằm trong khuổn khổ chuyến thăm chính thức Myanmar, sáng 1/10, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có cuộc gặp mặt với các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con kiều bào tại Myanmar.
Hoạt động này cũng đã kết thúc chuyến thăm chính thức Myanmar của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội.
Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Myanmar không ngừng được củng cố và phát triển trên mọi lĩnh vực, từ chính trị đến kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục...
Hai bên đã trao đổi nhiều chuyến thăm cấp cao cũng như giữa các Bộ ngành và nhân dân hai nước.
Việt Nam đã trở thành nhà đầu tư và đối tác thương mại quan trọng của Myanmar.
Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, các cơ quan bên cạnh Đại sứ quán, các doanh nghiệp và bà con Việt kiều tại Myanmar đã đóng góp hết sức quan trọng vào những thắng lợi đó.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá cao và biểu dương các cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và bà con kiều bào tại Myanmar.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán đóng góp về lý luận và thực tiễn về những vấn đề cần phát huy, những vấn đề cần rút kinh nghiệm để tận dụng những cơ hội và hóa giải các khó khăn tồn tại, phục vụ công cuộc xây dựng phát triển của đất nước tại Đề án “Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị-xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có Hiệp định TPP và Cộng đồng Kinh tế ASEAN”.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước và Quốc hội luôn dành sự quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoạt động một cách thuận lợi nhất nhằm góp phần phục vụ công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Năm 2017, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét thông qua Luật cơ quan đại diện sửa đổi, cán bộ, nhân viên đại sứ quán góp ý kiến nhằm góp phần xây dựng cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài chính quy, hiện đại; xây dựng hình ảnh của người cán bộ ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, từng bước đảm bảo và nâng cao cơ sở vật chất cơ quan cho xứng tầm với vị thế của đất nước, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của đất nước trong thời kỳ hội nhập quốc tế toàn diện.
Myanmar có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam, là một trong những nước đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Hiện chính quyền mới của Myanmar đang đẩy mạnh chính sách mở cửa thị trường và hội nhập quốc tế để xây dựng và phát triển đất nước.
Đây là những điều kiện rất thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh, tuy nhiên thách thức cũng rất lớn vì sự cạnh tranh của các nước khác.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Đại sứ quán tăng cường phối hợp với các Bộ ngành của nước ta trong công tác thông tin, quảng bá, nhất là về kinh tế đối ngoại; đồng thời đẩy mạnh vận động sự ủng hộ của chính quyền sở tại tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp của Việt Nam làm ăn ổn định, lâu dài tại Myanmar.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, các vụ việc liên quan đến công tác bảo hộ công dân ngày càng nhiều. Do đó, Đại sứ quán cần tăng cường, chủ động và đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ công dân, kiều bào cả về tinh thần, thông tin và pháp lý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao cộng đồng người Việt Nam tại Myanmar có truyền thống yêu nước nồng nàn, luôn hướng về Tổ quốc, lao động cần cù, sáng tạo, có nhiều đóng góp vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước Myanmar và góp phần quan trọng vun đắp và tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam- Myanmar.
Biểu dương một số doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã bước đầu kinh doanh làm ăn thành công, chấp hành nghiêm pháp luật sở tại, đóng góp vào phát triển kinh tế của Myanmar cũng như của Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực phấn đấu hơn nữa, vừa đạt hiệu quả kinh tế cao, vừa xây dựng hình ảnh tốt đẹp của doanh nhân Việt Nam trên đất Myanmar./.