Lắng nghe, chia sẻ với cử tri về việc cần tiếp tục chống dịch và phục hồi kinh tế, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các quận, huyện phải thể hóa được các mục tiêu kép thành các mục tiêu cụ thể để triển khai thực hiện. Đặc biệt TP.HCM cần đề phòng tình huống xấu là bùng phát đợt dịch COVID-19 lần thứ 5 có thể xảy ra.
Tại buổi tiếp xúc, các cử tri bày tỏ tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch hiện nay tại TP.HCM và cả nước, đồng thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Thành phố quan tâm hơn nữa đến các hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh, trong đó có người nông dân của các huyện vốn sống dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp; quan tâm tiêm vắc xin cho học sinh và tiêm mũi ba cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; đề nghị sớm đưa học sinh trở lại trường học; vấn đề quan tâm đầu tư cho y tế cơ sở, nhất là trạm y tế xã, phường. Cử tri cũng đề nghị Nhà nước quan tâm đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ quản lý y tế, đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh những trường hợp các bác sĩ, cán bộ y tế vừa qua bị khởi tố, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.
Về vấn đề sản xuất vắc xin trong nước, Cử tri Trần Thị Cúc, đề nghị: "Vừa qua nước ta đã quan tâm đầu tư nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19, nhưng hiện chưa thể cấp phép. Do đó là cử tri tôi rất quan tâm vấn đề này. Kiến nghị các bộ, ngành liên quan quan tâm để đầu tư nghiên cứu sản xuất để sớm có vắc xin nội địa và chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh".
Về công tác an sinh xã hội, cử tri Đại đức Thích Thiện Tâm thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Củ Chi đề nghị: "Quý lãnh đạo cần có cơ chế chính sách nhiều hơn nữa để giúp đỡ cho người dân tại huyện có cơ hội được tiếp cận, phục hồi nền kinh tế. Mặc dù thời gian hiện tại người dân đã cố gắng tập trung sản xuất để phục hồi kinh tế nhưng hậu quả dịch bệnh để lại rất lớn".
Cử tri Bùi Thị Lan, Quận 1, thì nêu thực tế: Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mục tiêu của Chính phủ là thích ứng linh hoạt, an toàn, nghĩa là không có mục tiêu zero COVID. Nhưng hiện nay một số bộ, ngành địa phương nhận thức chưa rõ về vấn đề này, mở theo Nghị quyết 128 của Chính phủ nhưng lại đóng ở một số điều kiện khác để địa phương mình không có COVID-19. Vẫn có yêu cầu khai báo y tế bằng giấy thay vì tập trung nguồn lực cho triển khai tiêm vắc xin.
Nhiều cử tri cũng bày tỏ sự trân trọng lãnh đạo Đảng, Nhà nước, trong đó có cá nhân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đã tận tâm trong ngoại giao vắc xin để có vắc xin tiêm cho người dân. Tuy nhiên, hiện mỗi ngày vẫn có trên 8.000 ca mắc COVID-19 cho thấy dịch chưa lắng dịu, trong khi nhiều địa phương đã mở cửa trở lại các dịch vụ, nên cần phải quán triệt quyết liệt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh.
Đánh giá cao các cử tri TPHCM trí tuệ, trách nhiệm và nêu các vấn đề hết sức sâu sắc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã hết sức nỗ lực để có nguồn vắc xin phòng COVID-19 phục vụ tiêm cho nhân dân và đề nghị TPHCM tiếp tục đẩy nhanh tiêm phòng. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa bày tỏ chia sẻ với những mất mát nặng nề của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và cho biết, Thường trực Ban Bí thư đã quyết định tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch COVID-19 vào ngày 19/11 tới.
"Chúng ta phải tiếp tục giải quyết hậu quả của dịch bệnh trong một thời gian dài, không phải năm nay, năm 2022 mà có thể sang cả năm 2023 mới khôi phục các hoạt động trở lại bình thường. Trong bối cảnh dịch ở châu Âu đang rất nặng nề, ở TPHCM mỗi ngày có trên 1.000 ca nhiễm thì chúng ta không thể chủ quan. Tuy vậy, chúng ta đã qua bao thử thách, gian khổ, nên theo tôi, chúng ta nên đánh giá một cách toàn diện tình hình chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19, nhất là đợt dịch thứ 4 vừa qua để biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, các nhà tài trợ, các tôn giáo, đặc biệt người dân anh hùng của chúng ta", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Trao đổi với cử tri về việc khắc phục hậu quả COVID-19 và phục hồi kinh tế xã hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: TP.HCM và 2 huyện nên tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 vừa qua và thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ, trong đó có biện pháp phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. Chúng ta cần cụ thể hóa thực hiện mục tiêu kép thành các mục tiêu nhỏ, cụ thể ở từng chính quyền các cấp, như tăng trưởng, giải quyết việc làm, an toàn y tế, an sinh xã hội, tâm lý xã hội, năng lực chống chịu và tâm thế phục hồi kinh tế xã hội. Cấp huyện, quận là rất quan trọng trong thực thi chính sách nên cần có kế hoạch chi tiết triển khai, tinh thần phối hợp, đồng thuận, cùng thực hiện mục tiêu kép. Cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh trên tinh thần hạn chế ca nặng. Ca nặng phải được nhập viện và hạn chế tối đa ca tử vong. Đây là điều kiện tiên quyết để phục hồi kinh tế xã hội và đưa xã hội trở lại bình thường.
Trước việc mỗi ngày còn hơn 8.000 ca mắc COVID-19 mới trên cả nước, hơn 1.000 ca mắc mới tại TP.HCM, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Thành phố không được chủ quan về một đợt dịch lần thứ 5 có thể xảy ra.
"Tôi đề nghị các đồng chí cần chuẩn bị tâm thế tốt hơn, chủ động hơn để phòng chống làn sóng dịch bệnh thứ 5 có thể xảy ra như tình hình một số nước trên thế giới đang xảy ra. Chúng ta không đặt vấn đề sớm như thế, chúng ta lại bị động. Phải tìm ra phương thức, cách làm phù hợp để thực hiện mục tiêu kép với bối cảnh dịch bệnh vẫn còn đe dọa trên toàn cầu. Cho nên vấn đề củng cố quản trị Thành phố, làm việc từ xa, thúc đẩy chuyển đổi số đang đặt ra rất lớn. Cấp ủy, chính quyền phải nhanh nhạy hơn, làm việc liên tục hơn. Nhất là với TP.HCM thì rất nặng nề vì các huyện, quận quy mô rất lớn. Một xã có thể mấy trăm nghìn dân, bằng một huyện của địa phương khác, thì quản trị là vấn đề cần được quan tâm", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Để phục hồi kinh tế hiệu quả, Chủ tịch nước cho rằng, TP.HCM cần khởi động một chương trình tăng trưởng của Thành phố trong cỗ xe tam mã đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Trong đó cần tập trung các nguồn hàng phục vụ cho dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Khôi phục các huyết mạch kinh tế chủ yếu như giao thông vận tải, lưu thông hàng hóa, dịch chuyển lao động. Đối thoại, nắm bắt khó khăn của doanh nghiệp để kịp thời có giải pháp hỗ trợ. Chủ tịch nước cũng nhắc lại việc TPHCM sớm kế hoạch tổ chức xúc tiến đầu tư vào hai huyện còn khó khăn là Củ Chi và Hóc Môn./.