Tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Quảng Ninh, hôm nay (27/7), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác Trung ương đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh, ông Phạm Minh Chính cho biết: là tỉnh nằm trong tam giác động lực phát triển vùng Đông Bắc, có biên giới cả trên đất liền và trên biển, và đặc biệt nổi tiếng là vùng đất mỏ cùng với rất nhiều di sản, danh lam thắng cảnh chính là cơ hội và cũng là thách thức đối với Quảng Ninh trong phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Ông Phạm Minh Chính cho biết, với quyết tâm đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng của khu vực, Quảng Ninh đang thực hiện 3 đột phá chiến lược tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển từ "nâu" sang "xanh" với tỷ lệ công nghiệp mỏ giảm dần, du lịch, dịch vụ tăng lên 44%. Cùng với tập trung xây dựng hạ tầng, cải cách về thể chế, chính sách; chú trọng tinh giản bộ máy, đào tạo nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học công nghệ... Quảng Ninh đã duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 8,8%, thu hút đầu tư năm nay dự kiến đạt 1 tỷ USD trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới gặp khó khăn; GDP bình quân đầu người đạt 3.000USD. Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên của cả nước đưa điện lưới đến tận thôn bản ở đất liền và huyện đảo bằng nguồn ngân sách tiết kiệm và xã hội hóa.
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng Quảng Ninh cũng đang đối mặt với những mâu thuẫn đó là giải phóng tiềm năng thế mạnh và cơ chế chính sách còn hạn hẹp; giữa khai thác than, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng địa bàn. Đặc biệt, những tồn tại của bộ máy cồng kềnh, tăng trưởng nóng, hạ tầng chưa đồng bộ đang là vấn đề đặt ra đòi hỏi phải giải quyết để vừa phát triển kinh tế nhanh, bền vững vừa phải đảm bảo độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Trên cơ sở khảo sát thực tế và ý kiến của các đại biểu, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Quảng Ninh là một cực quan trọng trong vùng động lực phát triển, có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng. Trong bối cảnh khó khăn chung, Quảng Ninh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, nằm trong nhóm 5 địa phương cao nhất cả nước. Về kết cấu hạ tầng phát triển có nhiều thay đổi tích cực kể cả tuyến đảo và tuyến biên giới, có những lĩnh vực đã đi vào hiện đại hóa. Về hạn chế cần quan tâm, Chủ tịch nước cho rằng quy mô kinh tế của Quảng Ninh còn nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu, đây là điều cần giải quyết trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là giá trị gia tăng của nền kinh tế còn thấp, phải nghiêm khắc nhìn nhận thực tế này. Chủ tịch nước nhấn mạnh, với tiềm năng của mình, Quảng Ninh có đủ khả năng trở lại mức tăng trưởng 2 con số, sức ép chính là yếu tố để Quảng Ninh tìm tòi các dự án có hiệu quả, mạnh dạn đề xuất cơ chế nhằm giải phóng triệt để sức sản xuất.
Năm 2016 ASEAN – Trung Quốc tự do hóa hoàn toàn, tức là mở hàng rào thuế quan. Thuế suất trở về 0%. Rồi WTO vào năm 2018. Cho nên cố gắng để trở về vị trí tăng trưởng cao, cứ 10 năm tăng 4 lần. Như vậy Quảng Ninh sẽ nhanh chóng trở thành tỉnh công nghiệp rõ ràng. Muốn đạt được điều này thì ngoài tiềm năng cần phải có cơ chế phù hợp để thúc đẩy phát triển.
Về phát triển đô thị cần tiến nhanh hơn đi vào hiện đại, phải luôn thường trực câu hỏi tại sao người khác làm được ta không làm được. Song song với đó là chăm lo cho người nghèo, giải quyết hài hòa khoảng cách giàu nghèo. Về an ninh quốc phòng, cần đặc biệt quan tâm đến các nhân tố tiềm ẩn bên trong và bên ngoài phương hại đến lợi ích quốc gia, có cơ chế phù hợp với việc bố trí cư dân biên giới, hải đảo. Một yếu tố quan trọng trong phát triển là đào tạo đội ngũ thợ đúng nghĩa bên cạnh đội ngũ kỹ sư để đáp ứng mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Khai thác tối đa lợi thế về địa chính trị và địa kinh tế, tham khảo các mô hình đặc khu kinh tế của các nước kế thừa các công nghệ quản lý hành chính, pháp lý. Chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, hoàn thiện bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Trước đó sáng nay, Chủ tịch nước đã tới thăm và tìm hiểu hoạt động tại Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Cái Lân. Ghi nhận những kiến nghị và chia sẻ với khó khăn hiện tại của công ty khi hệ số sử dụng cầu bến xấp xỉ chỉ 20%, có lúc chỉ đạt 2% công suất, trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới khó khăn. Chủ tịch nước đề nghị những lĩnh vực nào nhà nước phải đầu tư thì lãnh đạo các bộ ngành và địa phương cần trao đổi tập trung tháo gỡ ngay như mở rộng vũng quay, luồng lạch thu hút tàu lớn ra vào. Cần tính tới giải pháp về nới rộng tỷ lệ vốn liên doanh, nâng cấp cơ sở dịch vụ và hạ tầng thiết yếu để kịp thời nâng cao khả năng khai thác bốc dỡ qua cảng, tránh đi vào trì trệ, đổ vỡ.
Thăm tàu kiểm ngư 782 và nói chuyện với cán bộ công nhân, Công ty đóng tàu Hạ Long - Đơn vị vừa hoàn thành đóng mới tàu kiểm ngư hiện đại 782 cung cấp cho lực lượng kiểm ngư đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Chủ tịch nước nhấn mạnh Nhà máy đóng tàu Hạ Long vốn là cơ sở công nghiệp giàu truyền thống, do vậy trong giai đoạn khó khăn cán bộ, công nhân viên cần kiên nhẫn, góp sức vực dậy nhà máy. Về phía Nhà máy phải cơ cấu lại nợ, cân đối tài chính, không chỉ trông chờ đặt hàng từ Nhà nước mà cần mạnh dạn mở rộng thị trường hợp tác với các đối tác chiến lược mạnh trên thế giới đóng mới sản phẩm tàu thương mại để tận dụng thế mạnh thương hiệu, kinh nghiệm quản lý và trình độ kỹ thuật tạo nên sản phẩm có thương hiệu, chất lượng góp phần nâng cao uy tín của doanh nghiệp.
Chủ tịch nước cũng đã tới thăm Điện lực Quảng Ninh và Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh. Đây là trung tâm một cửa quy tụ tất cả các sở ngành nhằm đáp ứng nhanh, thuận tiện cho nhân dân. Chủ tịch nước lưu ý, việc xây dựng trung tâm là phù hợp, nhưng quan trọng nhất vẫn là con người, do đó phải tạo được đội ngũ cán bộ có trình độ, nhiệt tình và thân thiện để kịp thời giải quyết thủ tục và những yêu cầu của người dân, tạo niềm tin đối với bà con khi đến với các cơ quan chính quyền nhà nước./.