Chiều 4/10, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm trường Đại học Việt - Đức tại tỉnh Bình Dương. Đây là trường đại học công lập đầu tiên thuộc dự án xây dựng đại học mô hình mới trên cơ sở hợp tác với một quốc gia đối tác.

chu_tich_sang_1_cpyp.jpg
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các giảng viên, sinh viên trường Đại học Việt Đức

Trường Đại học Việt-Đức được thành lập ngày 1/9/2008. Khóa đầu tiên, trường đào tạo 35 sinh viên ngành kỹ thuật điện và công nghệ thông tin. Năm 2010, trường Đại học Việt-Đức được Chính phủ đầu tư 200 triệu USD từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới để xây dựng khuôn viên mới hiện đại tại thành phố mới tỉnh Bình Dương trên diện tích 50,5 ha với cơ sở hạ tầng, phòng thí nghiệm hiện đại. 

Sau 7 năm hoạt động, với sự hợp tác của Hiệp hội Đại học Cộng hòa Liên bang Đức và hơn 30 trường đại học hàng đầu tại quốc gia này, trường Đại học Việt-Đức đào tạo được gần 1.500 thạc sỹ và cử nhân theo chuẩn quốc tế. Theo kế hoạch, Đại học Việt-Đức sẽ đào tạo khoảng 12.000 sinh viên trong nước và quốc tế vào năm 2030.  

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao tinh thần hợp tác và hỗ trợ nhiệt tình của Cộng hòa Liên bang Đức, đặc biệt là Bộ Khoa học và nghệ thuật bang Hessen. Chủ tịch nước đề nghị trong tháng 10 này, Bộ Giáo dục và Đào tạo của Việt Nam làm việc với phía đối tác của Đức để thống nhất cơ chế quản lý về tài chính và giải quyết những vướng mắc. Nếu cần ký kết những văn bản ở cấp Chính phủ thì hai bên cũng thực hiện ngay trong dịp này để nhà trường tiếp tục triển khai chương trình đào tạo theo kế hoạch. Ngoài vốn vay của Ngân hàng Thế giới, đang có nhiều doanh nghiệp muốn đầu tư, liên kết với trường Đại học Việt-Đức. Điều này đã thể hiện được niềm tin của họ vào sự phát triển mạnh mẽ của trường trong tương lai. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Hiện nay đang có một cuộc chạy đua rất thú vị giữa các trường liên kết giữa Việt Nam với nước ngoài là Đức, Anh, Pháp, Nhật và Mỹ. Chúng ta cũng đang trong quá trình cải cách giáo dục, trong đó có cải cách về tài chính ở các trường công lập để năng động hơn, để làm thế nào có một nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng được công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam”./.