Chủ tịch nước đã khảo sát một số khu công nghiệp và tìm hiểu về đời sống và hoạt động của bà con ngư dân tại cảng cá xa bờ Cát Lở. Một trong cảng cá lớn nhất của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cảng cá xa bờ Cát Lở |
Vũng Tàu là thành phố 3 mặt giáp biển, không chỉ là địa chỉ du lịch nổi tiếng mà còn là địa phương đứng thứ 2 cả nước về số lượng tàu cá và sản lượng khai thác đạt 181.000 tấn năm.
Nhằm tìm hiểu thực tế đời sống và hoạt động của bà con ngư dân, chiều nay, Chủ tịch nước đã tới thăm và nói chuyện với bà con ngư dân tại cảng cá xa bờ Cát Lở. Đây là cảng lớn với 3 cầu cảng lớn, phù hợp cho tàu thuyền có trọng tải hơn 4.500 tấn cập cảng.
Báo cáo với Chủ tịch nước, lãnh đạo cảng và bà con ngư dân cho biết, Cảng Cát Lở vừa là cảng dịch vụ, vừa là nơi sơ chế và trung chuyển các loại hải sản rất thuận lợi. Bà con vui mừng khi Nghị định 67 về hỗ trợ nghề cá ra đời, nhưng cũng phản ánh trong quá trình triển khai gặp một số vướng mắc về hỗ trợ vốn, cải hoán, về mẫu đóng tàu mới và khó khăn đầu ra của thị trường.
Chủ tịch nước tặng quà cho bà con ngư dân |
Trao đổi với bà con ngư dân, Chủ tịch nước cho rằng ngư trường Bà Rịa- Vũng Tàu là rất lớn có thể nâng cao sản lượng, nhưng cần tính đến việc khai thác theo kế hoạch, tránh tận thu. Đặc biệt, việc đánh bắt cá xa bờ cần tuân luật pháp trong nước cũng như chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế trên vùng biển.
Chủ tịch nước khẳng định Đảng, Nhà nước luôn tạo điều kiện và quan tâm đến bà con hoạt động trên biển, trao đổi với các nước giải quyết các vùng chồng lấn để bà con yên tâm đánh bắt, bám biển dài ngày.
Ghi nhận những kiến nghị của bà con về vướng mắc của Nghị định 67, Chủ tịch nước cho rằng Chính phủ đã và đang tiếp thu nghiên cứu sửa đổi nhằm đáp ứng 2 nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển là phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Trước đó sáng nay, Chủ tịch nước đã tới thăm và dự lễ khánh thành giai đoạn 2 mở rộng nhà máy cán thép Vina Kyoei. Với mức đầu tư giai đoạn 2 là 220 triệu USD, được thực hiện trong vòng 3 năm, đã nâng tổng mức đầu tư của Vina Kyoei lên mức xấp xỉ 300 triệu USD, quy mô sản xuất của công ty lên 850.000 tấn. Nhà máy sử dụng các thiết bị sản xuất tiên tiến nhất với công nghệ cán trực tiếp không qua lò nung.
Chủ tịch nước thăm nhà máy thép Vina Kyoei |
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành giai đoạn 2 của nhà máy, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng trước thành công của dự án thép Vina Kyoei, sau gần 21 năm hoạt động đã không ngừng phát triển trên đất Bà Rịa- Vũng Tàu.
Nhìn lại những ngày đầu vượt qua khó khăn để có được cơ ngơi của Vina Kyoei như hiện tại, Chủ tịch nước nhấn mạnh thành công của các nhà đầu tư Nhật Bản cũng chính là thành công của Việt Nam.
Chủ tịch nước cho rằng, Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành hai nước đối tác chiến lược sâu rộng, hai bên đã ký nhiều văn bản hợp tác là cơ sở đưa Nhật Bản trở thành đối tác hàng đầu của Việt nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp.
Với sự trợ giúp của Nhật Bản, một quốc gia có công nghệ tiến tiến hàng đầu thế giới, trong đó có Kyoei đã và đang triển khai các dự án hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn ngành công nghiệp của Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực chế tạo máy sẽ có bước phát triển.
Chủ tịch nước tin tưởng Công ty Vina Kyoei với vai trò là đối tác hợp tác sâu rộng, sẽ tiếp tục hoạt động hiệu quả với dự án vừa mới được khánh thành; đồng thời nhanh chóng đưa dự án mở rộng giai đoạn 3 vào hoạt động; hình thành chuỗi dự án công nghiệp - dịch vụ kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Bà Rịa- Vũng Tàu; đem lại khởi sắc cho kinh tế vùng.
Tiếp đó, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm Công ty TNHH Vietubes - doanh nghiệp liên doanh giữa Việt Nam với Nhật Bản và Na Uy, chuyên gia công các loại đường ống dẫn cho ngành dầu khí dây chuyền sản xuất ống dẫn cho ngành dầu khí.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lưu ý, quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp cần có sự chuẩn bị. Nhưng sau 30 năm đổi mới, công nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là gia công.
Thực tế đòi hỏi các bộ ngành địa phương phải tích cực đẩy nhanh tiến độ triển khai các ngành công nghiệp dịch vụ, phụ trợ theo hướng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, có sự phân công lao động ở từng công đoạn.
Các doanh nghiệp nội cần dựa vào điều kiện đặc thù, chuyên biệt để phát triển. Vietubes là doanh nghiệp đã khẳng định được vị thế, có sản phẩm nhận được chứng chỉ chất lượng của các tổ chức quốc tế.
Bởi vậy trong bối cảnh doanh nghiệp cả nước tham gia nền sản xuất hội nhập sâu, Vietubes cần cố gắng vươn lên, đi tiên phong để hỗ trợ các đơn vị nhỏ.
Cuối buổi chiều nay, Chủ tịch nước cũng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ, nhân viên Ban quản lý Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, hiện đã thu hút được các nhà đầu tư công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ của Nhật Bản.
Chủ tịch nước đề nghị thời gian tới Khu công nghiệp cần tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế tạo máy nông nghiệp, máy vận tải, xây dựng. Tập trung làm rõ để hình thành khái niệm công nghiệp chuyên sâu, động cơ đi liền với công nghiệp hỗ trợ.
Chủ tịch nước cũng cho rằng tỷ suất sinh lời là yếu tố cần thiết đối với các nhà đầu tư nhưng phải tính đến giá trị gia tăng nhằm hài hòa lợi ích giữa nhà đầu tư và quốc gia sở tại./.