Quyết định số 1761 của Chủ tịch nước về việc cho nhập quốc tịch Việt Nam đã được trao tặng cho ông Menras André Marcel trong một buổi lễ trang trọng tại Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, chiều 1/12, với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Phát biểu trong buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh sự trân trọng của Việt Nam dành cho ông Menras André Marcel, nay là công dân Việt Nam Hồ Cương Quyết (cái tên mà người bạn tù Việt Nam trong khám Chí Hoà đã tặng cho ông). “Chúng ta dành những tình cảm đặc biệt cho Menras André Marcel vì ông đã dành cho chúng ta những tình cảm đặc biệt, đã sát cánh cùng Việt Nam trong những thời kỳ khó khăn nhất”- Chủ tịch nước nói.

Sức mạnh đoàn kết của những người bạn quốc tế, theo Chủ tịch nước, là một phần quan trọng của thắng lợi Việt Nam trước những thế lực xâm lăng. Chủ tịch nước bày tỏ sự khâm phục của cá nhân mình đối với tình cảm, sự quả cảm của Menras André Marcel, mong muốn người công dân mới của Việt Nam sẽ giữ mãi trái tim yêu Việt Nam, tiếp tục cuộc đấu tranh với “những ai còn hiểu sai về Việt Nam, chống lại nhân dân Việt Nam”. Bằng một thứ tiếng Việt khá trôi chảy, trong buổi lễ đón nhận quốc tịch Việt Nam , Menras André Marcel bày tỏ niềm vui lớn lao của mình: “Tôi không còn đứng bên cạnh mà đã ở trong lòng Việt Nam ”. Tự nhận mình như một cái cây có hai bộ rễ Pháp và Việt, ông nói về trách nhiệm làm công dân Việt Nam và những công việc ưu tiên của mình trong thời gian tới, từ việc giúp đỡ người nghèo, giúp trẻ em đi học đến đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Ông cho biết sẽ tiếp tục làm cầu nối giữa hai dân tộc Pháp – Việt, thúc đẩy sự trao đổi hợp tác về văn hóa, giáo dục… “Tôi đã bảo vệ Việt Nam từ tình đoàn kết trong cái tâm của mình. Từ nay, tôi sẽ tiếp tục quyền độc lập tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, với sức mạnh lớn hơn, sự hiểu biết sâu sắc hơn, vì tôi là người Việt Nam”, Menras André Marcel chia sẻ.

Menras André Marcel tới Việt Nam dạy học từ năm 1968. Hai năm sau, ngày 25/7/1970, ông cùng Jean Pierre Debris phất cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và rải truyền đơn trước tòa nhà quốc hội của chính quyền Sài Gòn. Sau 2 năm rưỡi bị giam trong khám Chí Hòa và bị trục xuất năm 1972, hai ông bắt đầu đi vòng quanh thế giới để tuyên truyền và viết sách tố cáo tội ác Mỹ ngụy. Cuốn “Thoát khỏi ngục tù Sài Gòn, chúng tôi tố cáo” của hai ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Gần 40 năm qua, Menras André Marcel vẫn đi về giữa Việt Nam và Pháp, dùng hết khả năng của một giáo viên để tham gia vào nhiều chương trình đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm sư phạm với các sinh viên và đồng nghiệp Việt Nam. Hiệp hội Hữu nghị phát triển trao đổi sư phạm Pháp - Việt (ADEP) do ông sáng lập đã trao hàng trăm học bổng cho học sinh nghèo Việt Nam . Ông quan tâm sâu sắc và và tích cực ủng hộ chương trình “Nước ngọt cho Trường Sa”, tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp người nghèo ở các vùng nông thôn Việt Nam./.

** Gặp gỡ và trò chuyện với các cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh chiều 1/12, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đánh giá cao những đóng góp to lớn của các cựu chiến binh thành phố trong nhiều năm qua, giữ vững vai trò của một lực lượng nòng cốt ở các cấp địa phương, góp phần to lớn và thiết thực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ tịch nước gửi lời chúc mừng tới hơn 6 vạn cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 20 năm ngày hội quốc phòng toàn dân và 20 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam TP Hồ Chí Minh.

Trung tướng Lê Thanh Tâm, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết trong 20 năm qua, với sự kiên định vững vàng về lập trường tư tưởng và gương mẫu trong hành động, các cấp hội cựu chiến binh thành phố đã tạo sự tin cậy với cấp ủy, chính quyền và nhân dân thành phố, nhất là qua cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong phong trào xóa nghèo, làm kinh tế giỏi đã xuất hiện nhiều doanh nhân cựu chiến binh thành đạt, 8 hội viên cựu chiến binh đã được tuyên dương anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Chủ tịch nước đã dành nhiều thời gian trò chuyện với các cựu chiến binh về những vấn đề lớn của đất nước, khẳng định sự kiên định của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ trong bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế vững chắc và chăm lo cho đời sống của người dân ở mọi vùng miền. Chủ tịch mong muốn các cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, với truyền thống anh hùng, bản lĩnh và trí tụê, tiếp tục là điểm tựa vững chắc cho hệ thống chính trị ở các địa phương, cho thế hệ trẻ. “Những nhắc nhở, góp ý tâm huyết của cựu chiến binh đối với việc điều hành đất nước hết sức đúng đắn và quý giá, có ý nghĩa sâu sắc trong việc xây dựng và bảo vệ chế độ Xã hội Chủ nghĩa trên đất nước Việt Nam”, Chủ tịch nước cảm ơn các cựu chiến binh./.