Chiều 24/7 giờ Washington, tức sáng nay (25/7) giờ Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp các nghị sỹ Hai viện Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ. Chủ tịch nước cũng tham gia dự bàn tròn với các doanh nghiệp Mỹ và dự tiệc chiêu đãi do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ (USCC) tổ chức.

chu-tich-gap-nghi-si.jpg
Chủ tịch nước gặp gỡ các nghị sỹ Hoa Kỳ

Tại các cuộc gặp với các nghị sỹ Hai viện Quốc hội Hoa Kỳ và Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh đóng góp của các nghị sỹ đối với sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ; đề nghị các nghị sỹ tiếp tục ủng hộ quan hệ nhiều mặt giữa hai nước trên các lĩnh vực song phương, cũng như các vấn đề toàn cầu, khu vực.

Chủ tịch nước đề nghị các nghị sỹ thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Hoa Kỳ, khuyến khích tăng cường quan hệ giữa các địa phương của hai nước. Chủ tịch nước cũng trao đổi cởi mở về quan tâm của các nghị sỹ về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Các nghị sỹ Hoa Kỳ nhấn mạnh, chuyến thăm của Chủ tịch nước mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ coi trọng vai trò của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và Quốc hội Mỹ ủng hộ Chính quyền trong chính sách đưa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển lên tầm mức cao hơn.

Các nghị sỹ chia sẻ quan tâm về một số vấn đề khu vực, trong đó có vấn đề an toàn, an ninh hàng hải ở Biển Đông; đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN và Việt Nam trong việc thúc đẩy đàm phán chính thức về Bộ luật ứng xử ở Biển Đông (COC).

** Cũng trong chiều 24/7 giờ Wasington, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp với Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, dự tọa đàm bàn tròn và chiêu đãi của các doanh nghiệp Mỹ.

Chủ tịch nước đề nghị Ngân hàng Thế giới tiếp tục dành cho Việt Nam vốn vay ưu đãi IDA, hỗ trợ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng; đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế tăng cường tư vấn chính sách, ủng hộ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng ở Việt Nam.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam và tin tưởng với các biện pháp toàn diện hiện nay, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được những thách thức kinh tế vĩ mô.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ, tối 24/7 giờ Wasington, Chủ tịch nước đã tham dự bàn tròn với các doanh nghiệp Mỹ và dự tiệc chiêu đãi do Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và Phòng Thương mại Hoa Kỳ tổ chức.

Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ, Chủ tịch nước đánh giá cao đóng góp và vai trò tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ trong sự phát triển đáng tự hào của quan hệ song phương Việt Nam – Hoa Kỳ nói chung và giao lưu kinh tế, thương mại nói riêng.

Chủ tịch nước gặp gỡ đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Cách đây 18 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra giai đoạn phát triển mối bang giao Việt Nam – Hoa Kỳ. Hợp tác song phương đã phát triển nhanh chóng trên các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh, đến khoa học - công nghệ, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo, giao lưu nhân dân và trên các tầng nấc: tiểu vùng, khu vực, liên khu vực và toàn cầu.

Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành nền tảng và động lực của quan hệ, với những khuôn khổ như Hiệp định Thương mại song phương, Hiệp định kết thúc đàm phán song phương về việc Việt Nam gia nhập WTO với kim ngạch thương mại song phương tăng gấp 54 lần trong 18 năm qua, Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu và là nhà đầu tư lớn thứ 7 tại Việt Nam.

Đăc biệt, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, cục diện chính trị - kinh tế thế giới chuyển biến nhanh chóng, sâu sắc với nhiều diễn biến mang tính bước ngoặt, phản ánh xu thế đa tầng nấc. Trong cục diện đó, Việt Nam đang nỗ lực và quyết liệt triển khai nhiều biện pháp ứng phó với các thách thức do những bất ổn của tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là sự suy giảm tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế hàng đầu.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, Việt Nam đang đứng trước nhiều tiềm năng phát triển to lớn trong thời kỳ mới. Việt Nam đang tiếp tục đổi mới sâu sắc, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những nỗ lực này sẽ mang lại diện mạo mới cho nền kinh tế và là động lực cho phát triển của Việt Nam.

Chủ tịch nước gặp gỡ đại diện Ngân hàng Thế giới

Bên cạnh việc tiến tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Việt Nam không chỉ trở thành một hạt nhân tích cực trong trung tâm phát triển kinh tế đầy tiềm năng này, mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế ASEAN lục địa với ASEAN hải đảo trong không gian kinh tế thống nhất.

Năm 2013, lần đầu tiên Việt Nam tiến hành đồng thời các đàm phán về khu vực thương mại tự do với tất cả các trung tâm kinh tế hàng đầu thế giới, tạo các nền tảng lợi ích cho quan hệ đối tác bình đẳng, dài hạn, mang tính xây dựng và cùng có lợi.

Việt Nam cũng hết sức coi trọng tiến trình đàm phán TPP, một trong những liên kết kinh tế tiềm năng của khu vực châu Á - Thái Bình Dương với nội dung hợp tác sâu rộng và tiêu chí cao. Việt Nam quyết tâm cùng Hoa Kỳ và các nước thành viên kết thúc đàm phán TPP vào cuối năm nay, dựa trên sự cân bằng lợi ích của các nước thành viên và tính đến sự đa dạng trong trình độ phát triển của mỗi nước.

Là thành viên của hầu hết các cơ chế hợp tác, liên kết then chốt ở khu vực, đó là Cộng đồng ASEAN, APEC, TPP, Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…, Việt Nam hoan nghênh và trông đợi tiềm năng mở rộng và gắn kết của các khuôn khổ này để hướng tới hình thành khu vực thương mại tự do năng động của toàn châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).  Đây là những nền tảng căn bản để Việt Nam liên kết khu vực, hội nhập kinh tế quốc tế trên tầm cao mới và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra những cơ hội mới, to lớn cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đầu tư và kinh doanh ở Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định, cùng với quyết tâm đổi mới sâu sắc và hội nhập quốc tế toàn diện, Việt Nam sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để bảo đảm là một điểm đến hấp dẫn cho các doanh nghiệp Mỹ nói riêng và các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh, đầu tư hiệu quả tại Việt Nam và thâm nhập khu vực ASEAN, vì lợi ích chung của mỗi nước, của Cộng đồng ASEAN và vì một châu Á – Thái Bình Dương thịnh vượng, ngày càng gắn kết./.