Sự kiên cường bất khuất của ông trước đòn tra tấn của kẻ thù, tầm nhìn xa trông rông, sự quyết đoán nhưng lại đầy nhân văn của một nhà lãnh đạo đã được bao thế hệ người dân ngưỡng mộ và khắc ghi.Với lòng yêu nước nồng nàn, ông đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành người học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Nằm giữa miệt vườn Cửu Long, bên cạnh một cây cầu có cái tên giản dị, cầu Ông Me, khu lưu niệm Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng thuộc xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.  Người dân ở đây thường gọi Khu di tích lịch sử cấp quốc gia này với cái tên trìu mến: khu tưởng niệm bác Hai Hùng. Du khách khi đến Vĩnh Long thường về đây, tản bộ ven dòng sông quê hiền hoà, bên những cánh đồng lúa mát ngọt phù sa và tưởng nhớ về ông, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, một nhà lãnh đạo có tầm nhìn và lòng yêu nước thương dân vô bờ bến. Gần 20 năm nay, nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cho hàng vạn người dân ở xa có dịp tìm về. Nhiều địa phương quanh vùng đã chọn Khu lưu niệm này là nơi kết nạp Đảng. Nhiều năm làm việc tại đây, bà Lê Thị Huỳnh Trang, Trưởng Ban quản lý khu lưu niệm không thể quên sự xúc động, tình cảm chân thành mà du khách từ khắp mọi miền dành cho “bác Hai Hùng”:

"Khi bị giam trong nhà tù đế quốc, bác Phạm Hùng thường bảo vệ anh em đồng chí của mình, thậm chí chịu đòn thay cho đồng chí, đồng đội nếu anh em bị ốm. Tại khu lưu niệm, chúng tôi cũng  thường kể nhiều câu chuyện đời thường về bác Hai, trong đó có những chi tiết cảm động nhất là trong giai đoạn ở Trung ương, Cục. Thời  gian đầu, đất nước rất khó khăn, mọi người phải ăn cơm trộn khoai sắn thì có một có một câu chuyện rất cảm động là bác ăn cơm trộn khoai sắn giống như mọi người. Nhưng lúc đó thì các anh chị trung ương cục mới nói là vai trò bí thư thì cũng phải cơm trắng để có sức khỏe. Bác nói là để bác ăn giống mọi người. Chi tiết này khiến du khách xúc động nhất…"- bà Lê Thị Huỳnh Trang cho hay. 

Chủ tịch HĐBT Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11 tháng 6 năm 1912, trong một gia đình nông dân có truyền thống yêu nước và căm thù giặc sâu sắc. Đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng tại Mỹ Tho khi 16 tuổi; vinh dự được kết nạp vào Đảng, làm Bí thư chi bộ trường học khi 18 tuổi. Khi đang tích cực lãnh đạo nhân dân đấu tranh chống thực dân Pháp và chế độ phong kiến, ngày 2/6/1931, Đồng chí bị thực dân Pháp bắt tại Mỹ Tho. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn thâm độc, mọi cực hình để tra tấn nhưng không khuất phục được ý chí cách mạng của đồng chí. Sau hơn 7 tháng giam cầm, đầu năm 1932, chúng đưa Đồng chí ra tòa Đề hình ở Sài Gòn xét xử. Mặc dù không có chứng cớ gì, nhưng toà án thực dân vẫn khép đồng chí 3 năm tù, 3 năm quản thúc và đưa về Mỹ Tho giam giữ.

Trong lao tù, đồng chí tiếp tục lãnh đạo anh em tù nhân đấu tranh đòi cải thiện chế độ nhà tù, xây dựng đường dây liên lạc với bên ngoài để tiếp tục chỉ đạo phong trào đấu tranh của quần chúng chống chế độ thực dân và bọn phong kiến tay sai. Thực dân Pháp đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh của tù nhân, đồng chí Phạm Hùng bị địch tống biệt giam vào xà lim. Ngày 20/9/1932, tại Mỹ Tho, thực dân Pháp đã mở phiên toà Đại hình xét xử những người chống lại “an ninh công cộng”, Đồng chí bị kết án tử hình và đưa về giam ở xà lim án chém Khám Lớn Sài Gòn.Trong xà lim án chém, đồng chí đã cảm hoá một số tù thường phạm bị thực dân Pháp kết án  tử, thức tỉnh lương tâm và truyền niềm tin vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng cho các bạn tử tù. Sau đó, phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ ở trong nước cũng như trên thế giới buộc chính quyền thực dân Pháp phải giảm án tử hình đối với đồng chí Phạm Hùng và một số chiến sĩ cách mạng xuống chung thân khổ sai, đày ra Côn Đảo tháng 1/1934.

Gần 15 năm trong tù đày, trong đó 12 năm bị thực dân Pháp giam giữ ở nhà tù Côn Đảo - địa ngục trần gian tàn bạo của chế độ thực dân, đồng chí đã thể hiện khí phách cách mạng cao đẹp, kiên cường, dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng cách mạng, là biểu tượng của “tinh thần thép”. Đồng chí đã cùng chi ủy, chi bộ lãnh đạo tù nhân đấu tranh quyết liệt đòi giảm nhẹ chế độ tù khổ sai, cải thiện chế độ sinh hoạt nhà tù; trực tiếp tham gia tổ chức nhiều lớp học tập văn hóa, học tập lý luận nâng cao trình độ chính trị, củng cố lập trường tư tưởng, giữ vững lý tưởng và niềm tin vào tương lai của cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản,

Không chỉ là người chiến sĩ cộng sản kiên trung, đồng chí Phạm Hùng còn là nhà lãnh đạo tài năng và có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta; là một trong những nhà lãnh đạo có những cống hiến quan trọng, góp phần làm nên các chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Với ý chí kiên cường, tư duy sáng tạo và nhiệt tình cách mạng, đồng chí được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó nhiều trọng trách trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc cũng như trong thời kỳ tái thiết, xây dựng đất nước trong hòa bình. Trong công tác, thời chiến cũng như trong thời bình, đồng chí luôn thể hiện phong cách làm việc có tư duy độc lập, tự chủ của một nhà lãnh đạo tài năng.

Nhà báo Hà Đăng, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân có ấn tượng sâu sắc về vị chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng có nụ cười hào sảng, nhân hậu, hết mực lo lắng cho nhân dân, nhất là trong thời kỳ đất nước còn khó khăn, thiếu thốn: "Năm 1986, sau Đại hội công cuộc đổi mới của chúng ta bắt đầu và đang còn ngổn ngang biết bao công việc. Tập trung nhất là làm sao ổn định cho được tình hình kinh tế xã hội, làm không đủ ăn mà lạm phát thì càng ngày càng cao. Bấy giờ đồng chí Phạm Hùng phụ trách Nhà nước chăm lo chuyện đó. Các phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng phải bàn việc thực hiện 3 Chương trình kinh tế lớn, để làm việc thông suốt với lưu thông. Xóa bỏ ngăn sông cấm chợ, phấn đấu lo toan từ cái ăn cái mặc cho đến cuộc sống an ninh nhân dân. Tất cả  đè nặng lên vai người đứng đầu Chính phủ.Vậy mà trong các cuộc họp ấy, người ta vẫn thấy ở vị trí Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nụ cười hiền hậu sau những phiên họp căng thẳng. Nội dung chủ yếu là phải bàn vấn đề lương thực để cho miền Bắc". - Nhà báo Hà Đăng nhớ lại.

Dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu như PGS-TS Bùi Đình Phong, Học viện chính trị quốc gia Hồ chí Minh, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng là nhà lãnh đạo tài tình và uy tín, có khả năng xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân. Với bản lĩnh chính trị vững vàng, chí công vô tư, ông là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là ở những phẩm chất yêu nước, thương dân và khả năng đánh giá cán bộ tài tình.

PGS-TS Bùi Đình Phong cho biết: "Tìm cảm thương yêu con người của đồng chí Phạm Hùng thể hiện rất rõ ở chỗ thương yêu cán bộ. Đồng chí Phạm Hùng là người có thể nói là rất tin cán bộ, rất hiểu cán bộ. Vì vậy, người ta đánh giá là đồng chí Phạm Hùng có một tấm lòng thương người và có một cái nhìn thấu được những mặt mạnh mặt yếu của cán bộ. Khi đã giao nhiệm vụ nào cho cán bộ thì tất cả cán bộ đó đều hoàn thành công việc. Một trong những điểm quan trọng nhất là trong giai đoạn chúng ta còn nhiều khó khăn về mặt kinh tế, đồng chí nói rằng, một đồng đô la là quý giá vô cùng. Đồng chí luôn nêu cao tư tưởng tiết kiệm. Những tư tưởng về thực hành tiết kiệm của bác Hồ đã thấm vào tư tưởng hành động của đồng chí Phạm Hùng".

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Phạm Hùng là một tấm gương cao đẹp của một người cộng sản chân chính, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt đời tận trung với nước, tận hiếu với dân. Tên tuổi của bác Hai Phạm Hùng luôn sáng mãi cùng hậu thế như hình ảnh một nhà lãnh đạo kiên trung, khí tiết, trọn nghĩa, vẹn tình với đồng bào ruột thịt./.