Việt Nam sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á – ASEAN từ ngày từ ngày 01/01/2020. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, đánh dấu tròn 25 năm Việt Nam trở thành thành viên của ASEAN, đồng thời cũng là cơ hội để Việt Nam tiếp tục chứng minh tư cách của một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong ASEAN.

asean_irer.jpg
Lãnh đạo các nước thành viên ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 ở Bangkok. Ảnh: thaipbsworld.

Thuận lợi và thách thức

Năm 2020 là lần thứ hai Việt Nam đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN, lần đầu tiên vào năm 2010. Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, việc đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 của Việt Nam so với giai đoạn 10 năm trước có rất nhiều thay đổi. Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao đã chỉ rõ những thách thức và cơ hội mới đối với Việt Nam khi gánh trọng trách lớn lao này.

Theo ông Vũ Hồ, thuận lợi thứ nhất là Việt Nam đã trưởng thành hơn trong nhận thức, tham gia sâu rộng hơn vào tất cả những tiến trình chính trị, an ninh, kinh tế đang diễn ra trong khu vực. Thứ hai, hình ảnh, vị thế của Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với năm 2010, vai trò của Việt Nam trong khu vực đã được khẳng định ở  mức độ cao hơn. Cộng đồng ASEAN đã phát triển hơn trong suốt 10 năm qua, có sự tiến bộ nhất định mà tất cả các nước đều phải công nhận. Hiểu biết, tin tưởng và sự cam kết của các quốc gia thành viên ở mức độ cao hơn so với trước kia. Đây là thuận lợi cho Việt Nam khi xây dựng sự đồng thuận, khi triển khai các sáng kiến, khi thúc đẩy bất kỳ ưu tiên nào.

Ông Vũ Hồ, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại giao.

Song song với thuận lợi còn có rất nhiều thách thức mới. Vụ trưởng Vũ Hồ chia sẻ: “Thách thức đầu tiên chúng ta thấy được là năm 2020 tình hình quốc tế và khu vực có nhiều biến động và rất khó lường. Nếu năm 2010, chúng ta đang ở giai đoạn xây dựng lòng tin thì đến năm 2020 chúng ta ở giai đoạn phòng ngừa những sự cố có thể xảy ra. Và nhiệm vụ của chúng ta là ngăn ngừa tất cả những sự cố hay những tranh chấp diễn biến nghiêm trọng hơn, trở thành xung đột hay đối đầu”.

Cùng với đó, bối cảnh quốc tế hiện cũng khác nhiều so với 10 năm trước, nổi lên là sự cạnh tranh giữa các nước lớn, đặc biệt là cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng sâu rộng hơn. Điều đó cũng sẽ tác động trực tiếp đến vai trò ASEAN và nước làm Chủ tịch của ASEAN, vốn có nhiệm vụ đảm bảo đoàn kết, đồng thuận trong nội bộ khối và tận dụng sự ủng hộ của các đối tác, thậm chí các đối tác đang đứng ở hai chiều khác nhau. Thách thức tiếp theo là những vấn đề đang diễn ra trong khu vực, chẳng hạn như tranh chấp về lãnh thổ, lãnh hải, tồn tại những nhận thức khác nhau về cách giải quyết bất đồng, những cách tiếp cận khác nhau trong giải quyết tranh chấp.

Cuối cùng, bộ máy hoạt động của ASEAN rất cồng kềnh. Mỗi năm có hàng nghìn cuộc họp diễn ra ở khắp các cấp độ. Nhiệm vụ của nước giữ vai trò Chủ tịch là làm sao để thu xếp và tổ chức lại tất cả các hoạt động của ASEAN theo hướng hiệu quả hơn, hợp lý hơn, khoa học hơn nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động hợp tác.

Kinh nghiệm thực tiễn trong 25 năm

Hợp tác ASEAN là 1 tiến trình và phát triển của ASEAN bao trùm trên tất cả mọi lĩnh vực, an ninh, kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo Vụ trưởng Vũ Hồ, có một số điểm tích cực cần phải ghi nhận trong 25 năm Việt Nam gia nhập ASEAN. Trước hết, lòng tin giữa Việt Nam với các nước trong khu vực đã được nâng lên và Việt Nam đã có sự hội nhập tích cực không chỉ trong khu vực mà cả trên thế giới.

“Nếu ko phải là thành viên của ASEAN, không đóng góp một cách tích cực, chủ động và có trách nhiệm vào công việc chung của khối thì liệu chúng ta có trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an, liệu có trở thành thành viên của WTO không và liệu chúng ta có thành công trong năm APEC 2006 và 2017 không? Tiếp đến là quan hệ của chúng ta với các nước xung quanh. Nếu không phải là thành viên của ASEAN, liệu chúng ta có thể bình thường hóa quan hệ với Mỹ? Như vậy có thể thấy rõ rằng, lòng tin của Việt Nam với các đối tác và sự tin cậy của các đối tác với Việt Nam rất cao”, ông Vũ Hồ nhấn mạnh.

Nhờ gia nhập ASEAN, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực về nhận thức. Người dân Việt Nam đã có cách tiếp cận tỉnh táo hơn trong tất cả các vấn đề. Đặc biệt trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam chủ trương theo đuổi biện pháp đối thoại, hợp tác và thống nhất, thay vì đối đầu, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.

Theo ông Vũ Hồ, con người Việt Nam cũng ngày một trưởng thành hơn nhờ tham gia vào những cuộc họp của ASEAN và các hoạt động chung của cộng đồng ASEAN. Việc lĩnh hội những tri thức mới và tuân thủ các thủ tục, quy định của khối đang làm thay đổi cách ứng xử của người dân Việt Nam theo chuẩn mực chung của khu vực.

Bên cạnh đó, kinh tế của Việt Nam cũng bắt kịp đà phát triển của các nước trong khu vực và trên thế giới nhờ việc ký kết nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) dành cho Khu vực Thương mại Tự do ASEAN (AFTA) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EUFTA).

Việt Nam tự tin thực hiện tốt vai trò mới

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Nguyễn Quốc Dũng.

Để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực về nhân lực và nguồn lực, cũng như chính sách đối ngoại. Trong bài phát biểu tại một hội thảo diễn ra vào tháng 12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đã giới thiệu 1 số chủ đề chính trong chính sách đối ngoại của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tập trung thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và hợp tác thông qua các thể chế và thỏa thuận đa phương ở cấp độ khu vực và toàn cầu, tiếp đến, theo đuổi mục tiêu phát triển và hội nhập với các quốc gia khác trên thế giới trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, cuối cùng là gắn chặt hoạt động với các thể chế đa phương, khu vực và toàn cầu.

Về nhiệm vụ và vai trò mới, Vụ trưởng Vũ Hồ cho rằng: “Đã đến Việt Nam phải tích cực chủ động hơn, có trách nhiệm hơn trong các hoạt động của ASEAN. Với hình ảnh và vị thế mới Việt Nam cần phải đặt câu hỏi sẽ có những đóng góp gì cho khu vực và cộng đồng quốc tế, cho dù là Chủ tịch ASEAN hay Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an”.

Nhiều học giả quốc tế cũng bày tỏ tin tưởng Việt Nam sẽ đảm đương tốt trọng trách mới. Tiến sĩ Poy Sothirak, Giám đốc điều hành Viện Hợp tác và Hòa bình Campuchia cho biết: “Việt Nam đã đưa ra đường hướng về phát triển chính sách đối ngoại và 5 ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN. Chúng tôi mong muốn Việt Nam sẽ phát huy tốt vai trò lãnh đạo, tiếp tục duy trì động lực phát triển của các chủ tịch tiền nhiệm, một mặt tạo động lực phát triển cho ASEAN, mặt khác làm việc cùng các đối tác bên ngoài khối để giải quyết những vấn đề quan trọng trong khu vực”./.