Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 11, sáng 19/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận báo cáo của Chính phủ về việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012, đồng thời cho ý kiến đối với việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá 13. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp.

Thảo luận tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ và cho rằng: Năm 2012, nền kinh tế nước ta đứng trước những thách thức lớn như tăng trưởng kinh tế chậm lại, giá cả biến động, hàng tồn kho lớn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng, sức mua giảm... cùng với những yếu tố bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực đã tác động đến sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân. Trong bối cảnh đó, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2012 đã đạt được kết quả quan trọng trên một số lĩnh vực. Ý thức thực hành tiết kiệm của mọi tầng lớp nhân dân được nâng cao, ngân sách nhà nước từng bước được quản lý, sử dụng chặt chẽ và có hiệu quả hơn.

 

quoc-hoi_copy.jpg

Tuy nhiên, nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận xét báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong từng lĩnh vực, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương và giải pháp khắc phục.

Ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Lãng phí, thất thoát trong đầu tư công vẫn là vấn đề nổi lên trong năm 2012 được dư luận xã hội quan tâm và đây là mảnh đất màu mỡ đối với các hành vi tham nhũng.

Thực hiện tái cơ cấu đầu tư công theo hướng cắt giảm nên thời gian qua, nhiều dự án, công trình phải giãn, hoãn, ngừng thi công do quyết định đầu tư dàn trải trong những năm trước cũng gây nên tình trạng công trình dở dang nhiều, nợ khối lượng xây dựng cơ bản cao và lãng phí lớn. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2011, tổng số nợ vốn đầu tư của 63 tỉnh, thành phố là trên 91.000 tỷ đồng của hơn 47.200 dự án. Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước còn hạn chế. Tình trạng trốn lậu thuế, nợ đọng thuế tiếp tục gia tăng. Đây là những vấn đề được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung làm rõ. Phân tích nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho rằng: “Trong việc để còn xảy ra lãng phí thì vai trò của cải cách hành chính đến đâu. Vì vậy trong 1 số nguyên nhân của những hạn chế thì báo cáo chưa nêu được nhân tố là phải tự cải cách, đổi mới trong vận hành bộ máy hành chính của chúng ta. Thứ 2 là vấn đề giải phóng mặt bằng để xây dựng công trình, cái này là lãng phí lớn lắm. Một nguyên nhân nữa cần được nêu là ý thức tiết kiệm, chống lãng phí của toàn xã hội cần được đánh giá”

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị báo cáo của Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện nội dung liên quan đến việc bồi thường thiệt hại do lãng phí gây ra, quản lý, sử dụng thời gian lao động trong khu vực nhà nước, quản lý ngân sách nhà nước và quản lý vốn, tài sản tại các tập đoàn, tổng công ty.

Cũng trong sáng nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về cách thức tiến hành và thời gian thảo luận đối với các nội dung của Kì họp thứ 4, Quốc hội khoá XIII. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí tiếp tục tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp một số nội dung quan trọng như dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân. Theo dự kiến, kì họp thứ 4 của Quốc hội diễn ra từ ngày 22/10-23/11./.