Kỳ vọng hạt nhân thúc đẩy kinh tế
Đề án chính quyền đô thị cũ được TPHCM xây dựng từ năm 2006, trong đó có đặt vấn đề thành lập 4 đô thị trực thuộc thành phố nằm tại các cực đông, tây, nam, bắc. Đây là một chủ trương sáng tạo, tâm huyết của TPHCM, với mục đích có được cơ chế vận hành xứng với tầm vóc đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, khi báo cáo Bộ Chính trị vào năm 2007 và một lần nữa vào năm 2013, đề án chính quyền đô thị cũ chưa được thông qua.
Tiếp tục theo đuổi khát vọng phát triển TP vượt ngoài “chiếc áo chật”, chủ trương xây dựng một đô thị thuộc TPHCM, theo mô hình thành phố thuộc thành phố được đưa ra trên nền tảng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 – 2021. Trong đó, nội dung quan trọng và chủ đạo chính là xây dựng thành phố phía Đông, mà hiện nay tên tạm gọi là thành phố Thủ Đức.
Là một người dân sinh sống tại Quận 2, khu vực dự kiến sẽ trở thành thành phố Thủ Đức, bà Trần Thị Quới cho biết, người dân phấn khởi và chờ đợi sự đổi mới trong tương lai cùng với việc hình thành một đô thị phát triển về kinh tế.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Quới cũng tỏ ra băn khoăn về sự tiện lợi trong giải quyết thủ tục hành chính khi sáp nhập các quận: “Vấn đề thay đổi không hiểu có lợi cho người dân hay không, mà thấy rõ người dân phải liên hệ các cơ quan để thay đổi và điều chỉnh giấy tời nhiều loại, gây phiền phức và mất thời gian, nhất là các giấy tờ liên quan đến nhà đất, hộ tịch”
Tháng 8/2020, Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập thành phố Thủ Đức. Thành phố này được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập các quận 2, 9, Thủ Đức có diện tích 21.000 ha, dân số hơn 1 triệu người. Đây được kỳ vọng là hạt nhân dẫn đầu, thúc đẩy kinh tế của TPHCM và cả vùng, trở thành trung tâm tài chính, đổi mới sáng tạo của cả nước và cả khu vực. Cụ thể, thành phố Thủ Đức sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TPHCM, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước.
Không chỉ người dân, mà doanh nghiệp cũng quan tâm tới đề án xây dựng thành phố Thủ Đức. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết, đề án thành phố Thủ Đức có sức hấp dẫn lớn với các doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp bất động sản cũng như cộng đồng doanh nghiệp sẽ nỗ lực tham gia vào đề án. Bởi vì phải có vai trò tham gia của các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án, công trình trong khu vực”- ông Châu cho hay.
Cần tăng thẩm quyền cho thành phố Thủ Đức
Ông Phạm Hoài Minh Tân, Trưởng Ban pháp chế Ban Tuyên giáo quận uỷ Thủ Đức đặt ra vấn đề cần tính toán để đảm bảo sự ổn định lâu dài khi sáp nhập các quận, tránh sự xáo trộn trong sinh hoạt cho người dân. Ngoài ra, ông Tân cũng lưu ý khu vực thành phố Thủ Đức được giao khối lượng nhiệm vụ lớn, thu ngân sách và dân số thậm chí còn cao hơn một số tỉnh. Trong khi thủ trưởng thành phố, công an, các ban ngành…đều là thẩm quyền cấp huyện, thế nhưng những công việc phải giải quyết lại ở tầm lớn hơn.
“Phải có một Nghị quyết của Quốc hội để tăng thẩm quyền cho đơn vị hành chính đặc biệt này, kể cả thẩm quyền về xử phạt hành chính. Còn như hiện nay, một quận Thủ Đức liên quan đến địa bàn giáp ranh như Dĩ An, Thuận An (tỉnh Bình Dương), rồi Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) bây giờ bổ nhiệm phụ trách tới ba quận thì chắc không ai dám nhậm chức”- ông Tân bày tỏ.
Để thành phố Thủ Đức phát huy tốt nhất vai trò hạt nhân cho sự phát triển, thì điều kiện đủ chính là việc đề án mô hình chính quyền đô thị được thông qua. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM cho rằng, thời điểm này đã chín muồi để đề xuất thành lập thành phố trực thuộc thành phố, để sau này tiếp tục thực hiện một số nội dung còn lại của đề án chính quyền đô thị.
“Bằng thực tiễn, chúng ta sẽ bổ sung để hoàn chỉnh hơn đề án chính quyền đô thị trước đây đã xây dựng. Đây là việc chúng ta mong muốn được làm, tôi đồng ý đã đến lúc TPHCM đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thành lập thành phố trong thành phố, một mô hình chính quyền mới”- nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM nói.
Để TPHCM có điều kiện phát triển tốt hơn nữa, đã đến lúc cần phải “thay áo mới” cho phù hợp với tiềm lực hiện có và tầm vóc trong tương lai mà thành phố mong muốn đạt được. Đề án chính quyền đô thị là hướng đi tất yếu, cần thiết phải thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh hơn và bền vững hơn ./.