Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, được nhân dân và doanh nghiệp cũng như các tổ chức trong nước và quốc tế ghi nhận qua những thay đổi về mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội.
Dưới sự điều hành quyết liệt, Chính phủ đã hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử tạo đột phá trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính. Qua đó đã và đang củng cố niềm tin vững chắc cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong nhiệm kỳ qua nước ta đã tăng trưởng mạnh mẽ từ chiều rộng cho đến chiều sâu. Tăng trưởng GDP bình quân 5 năm 2016-2020 đạt khoảng 5,99% (thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới).
Riêng năm ngoái, năm cuối nhiệm kỳ nhưng lại là một năm đầy khó khăn và thử thách, Chính phủ vẫn hoàn thành “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. GDP năm 2020 tăng 2,91%, Việt Nam là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 3,2% (giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 7,65%). Lạm phát cơ bản được kiểm soát tốt qua các năm, giữ mức tương đối ổn định, bình quân đạt 1,81% (giảm mạnh so với giai đoạn 2011-2015 là 5,15%).
Cán cân thương mại hàng hóa luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm. Năm ngoái, mặc dù nhiều thị trường xuất khẩu bị gián đoạn do dịch Covid-19 nhưng xuất siêu vẫn đạt cao nhất từ trước đến nay đạt 20 tỷ USD. Việc giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy mạnh mẽ, năm 2020 đạt 97,46% kế hoạch, đây là mức cao nhất đạt được trong giai đoạn 2016-2021. Bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát chặt chẽ, bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 3,45%, vượt mục tiêu đề ra là không quá 3,99%...
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, để đạt được những kết quả này là do sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo đột phá trong chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính… Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: "Cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là một trong những trọng tâm ưu tiên của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016-2021. Với quan điểm của Thủ tướng từ đầu nhiệm kỳ đó là quyết tâm xây dựng “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động” và cách tiếp cận “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình cải cách, phát triển”, do đó Chính phủ đã triển khai nhiều hành động, trong đó đáng chú ý là việc liên tục ban hành các Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia."
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ đã tạo thành “làn sóng” về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã ban hành 50 văn bản quy phạm pháp luật cắt giảm 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh (đạt gần 63%); Ban hành theo thẩm quyền 21 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 30/120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, cắt giảm 6.776/9.926 danh mục dòng hàng kiểm tra chuyên ngành, tiết kiệm khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã tinh gọn thủ tục hành chính, nâng cấp môi trường kinh doanh để thu hút doanh nghiệp và các nhà đầu tư: "Trong 4-5 năm vừa rồi, Việt Nam đã đi được một bước dài việc nâng cấp môi trường kinh doanh của Việt Nam. Theo đó, đã ban hành thực hiện loạt Nghị quyết 19, loạt Nghị quyết 02 của Chính phủ tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi hơn. Hàng loạt những thủ tục về thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành, về tiếp cận điện năng, về thủ tục xây dựng… đã được cải cách. Mục tiêu của Việt Nam là phải lọt được vào nhóm nước đứng đầu khu vực ASEAN. Rõ ràng là trong thời gian vừa rồi Việt Nam đã thay đổi rất lớn, thể hiện qua xếp hạng của Ngân hàng thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã liên tục tăng hạng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, những cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ đã và đang đem lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp: "Chính phủ và Quốc hội có rất nhiều cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh liên quan đến các thể chế. Bằng chứng là chúng ta rất nhiều sửa đổi về các điều luật, ví dụ như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Đầu tư… qua đó đã tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc của nhiều doanh nghiệp. Tôi ví dụ như cải tiến các thủ tục về xây dựng; cải tiến trong các bước về thủ tục của Luật Đầu tư… tôi cho rằng đây là những nội dung hết sức cố gắng của Quốc hội và Chính phủ để tạo một hành lang pháp lý thông thoáng hơn cho doanh nghiệp hoạt động."
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế về việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt mục tiêu, một số chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đi vào cuộc sống. Phát triển kinh tế vùng để tạo tác động liên kết, lan tỏa phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Bộ máy hành chính nhà nước chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Việc đổi mới lề lối làm việc, kỷ cương, kỷ luật, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đồng đều gây ra những phiền hà, sách nhiễu...
Do đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, Chính phủ nhiệm kỳ tới cần tiếp tục tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt là về vốn, đất đai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngoài ra, cải cách bộ máy quản lý, chuyển đổi số, giảm bớt các thủ tục phiền hà hơn nữa… Vì thế, Chính phủ mới cần những giải pháp mang tính lâu dài, đặt ra một chiến lược phát triển mới cho phù hợp với cục diện thế giới mới. Qua đó nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.