Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Phu nhân, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Phu nhân bắt đầu thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-17/1/2013.

Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, kể từ khi ông được Hạ viện Nhật Bản bầu làm Thủ tướng ngày 26/12/2012 và là chuyến thăm Việt Nam lần thứ 2 trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ trước tháng 11/2006.

thu-tuong-nhat.jpg
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  (ảnh: Ibtimes.com)

Chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Shinzo Abe, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước và nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư.

40 năm qua, kể từ khi Việt Nam – Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/9/1973, đến nay, quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước không ngừng được củng cố, phát triển mạnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục.

Nhật Bản ủng hộ đường lối đổi mới, mở cửa của Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam hội nhập vào khu vực và thế giới thông qua các tổ chức quốc tế như: Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế Á – Âu (ASEM), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF)…

Đối với Nhật Bản, Việt Nam là quốc gia có vị trí địa chính trị quan trọng, là đối tác tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Vì vậy, từ nhiều năm nay, Chính phủ Nhật Bản luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam và xem Việt Nam là đối tác chiến lược. Hiện nay, Nhật Bản đang là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10/2011).

Đánh giá về mối quan hệ hai nước, ông Phạm Thanh Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh: quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Nhật Bản năm 2012 tiếp tục phát triển thuận lợi, đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả và ngày càng mang tầm chiến lược. Hợp tác kinh tế tiếp tục được triển khai cụ thể, đạt kết quả thực chất. Theo ông Bình, dù Nhật Bản đang gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, do bị ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những năm gần đây đất nước lại thường xuyên phải đối mặt với thiên tai thảm họa động đất sóng thần, nhưng Chính phủ Nhật Bản vẫn dành viện trợ phát triển (ODA) ở mức cao nhất cho Việt Nam.

Nhật Bản là nước tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, là nhà đầu tư số 1, đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đã đạt 22,5 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2012 và kết quả này sẽ được hai bên đặt mục tiêu phấn đấu tăng lên gấp đôi vào năm 2020. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản còn tích cực giúp Việt Nam trong 3 lĩnh vực quan trọng: xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và xử lý, tái cơ cấu các công ty nhà nước. Nhật Bản đã xác định sẽ hỗ trợ Việt Nam trong cả 3 lĩnh vực này. Nhật Bản còn hỗ trợ Việt Nam trong phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Sự hợp tác và những tình cảm tốt đẹp mà chính phủ và nhân dân hai nước dành cho nhau trong gần 4 thập kỷ qua đã và đang tạo nền tảng đưa quan hệ hợp tác Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất và đi vào chiều sâu. Đặc biệt việc Thủ tướng Shinzo Abe lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên ngay khi ông đảm nhiệm trọng trách Người đứng đầu Chính phủ, là biểu hiện sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Đó cũng là động lực tạo nên thành công tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Shinzo Abe góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, ngày càng thực chất, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân và hai nước Việt Nam – Nhật Bản./.