Phát biểu ý kiến về dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, chiều 28/3, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý - Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh đề nghị cần xem xét bổ sung trường hợp cá nhân bị thu hồi danh hiệu Nhà nước, vinh dự Nhà nước khi không còn xứng đáng, vi phạm chuẩn mực đạo đức gây ảnh hưởng xấu và bị dư luận xã hội lên án.
Nữ đại biểu dẫn chứng, thời gian qua, chúng ta chưa thu hồi trường hợp nào nhưng thực tế dư luận rất bức xúc với những lời nói, hành vi thiếu chuẩn mực, phản cảm của một số nghệ sĩ ưu tú, nhất là trên môi trường mạng. Điều này kéo đến sự lệch chuẩn trong nhận thức văn hóa vì họ là người được công chúng yêu mến, thần tượng.
Do đó, bà đề nghị đã đến lúc, luật cần phải có những quy định bổ sung cho việc thu hồi danh hiệu phong tặng cho các nghệ sĩ để buộc họ phải có trách nhiệm gìn giữ danh hiệu được trao tặng.
Đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, phần lớn tiêu chuẩn để khen thưởng là phải gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nên cần bám sát quy định này khi xử lý vi phạm về thi đua, khen thưởng, không nên dùng từ “khuyết điểm” chung chung.
Nữ đại biểu đề nghị cần có sự rà soát, nghiên cứu kỹ để đảm bảo công bằng, đáp ứng yêu cầu bởi tiêu chí xem xét xử lý vi phạm chưa nhất quán. Cũng là cá nhân nhưng với danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lao động... bị tước danh hiệu khi phạm tội thuộc một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị hình phạt tù chung thân, tử hình. Trong khi đó, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú.... lại bị áp dụng từ yếu tố lỗi cố ý, hình phạt tù có thời hạn trở lên. Còn với pháp nhân phải chịu hình phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn thì mới bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.
“Theo tôi với trường hợp áp dụng từ tội xâm phạm an ninh quốc gia, chung thân, tử hình.... là mức điều kiện cao dẫn đến tính răn đe thấp. Nghệ nhân, nhà giáo bị tước danh hiệu khi phạm tội do lỗi cố ý lại quá nghiêm khắc. Cần nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp hơn” – đại biểu Nguyễn Phương Thuỷ nêu ý kiến.
Dự thảo Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi) quy định các trường hợp Quyết định tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng bị hủy bỏ, hiện vật và tiền thưởng bị thu hồi.
Đó là có hành vi gian dối trong việc kê khai thành tích để được tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng; Cung cấp thông tin sai sự thật hoặc làm giả hồ sơ, giấy tờ để đề nghị tặng danh hiệu thi đua hoặc hình thức khen thưởng; Thẩm định, xét, duyệt, đề nghị danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng không đúng quy định; Có kết luận, quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền về việc có khuyết điểm, vi phạm pháp luật trong khoảng thời gian tính thành tích hoặc liên quan đến công trình đã được tặng Giải thưởng./.