Trong phần chât vấn của mình trên Hội trường, sáng 6/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (đoàn An Giang) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Bộ triển khai 5G có chậm trễ không và giải pháp giảm lãng phí khi triển khai trên diện rộng?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng “đây là câu hỏi khó vì ta làm 5G có chậm không, mà làm nhanh có tốn kém không!”. Bộ trưởng khẳng định, chúng ta làm 5G là không chậm. Năm 2019 thực hiện kỹ thuật, năm 2020 khi Liên minh Viễn thông Thế giới công bố chuẩn thì Việt Nam cho tiến hành thử nghiệm thương mại, tức kinh doanh có thu phí và năm 2021 sẽ triển khai diện rộng.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, nếu như trước đây với 2G, Việt Nam đi cùng nhịp với thế giới và nằm trong tốp cao của thế giới, nhưng đến 3G, 4G thì chậm chân hơn, từ 7-8 năm.
Đối với 5G, Việt Nam triển khai theo pha và ban đầu làm ở thành phố lớn, trung tâm đông người, các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để phục vụ công nghệ mới và theo Bộ trưởng thì chi phí không lớn.
Lý do là chúng ta triển khai dựa trên hạ tầng đã có của 4G (nhà trạm, cột ăn ten, truyền dẫn...) và 70% dùng lại được và tinh thần dùng chung cơ sở hạ tầng. Bộ TT-TT đề nghị các doanh nghiệp xây dựng phương án và năm nay sẽ ra quy định về dùng chung cơ sở hạ tầng, thậm chí dùng chung thiết bị. Đồng thời cắt 2G, 3G để giảm chi khai thác cho nhà mạng.
“Tin rất vui là khi triển khai diện rộng 5G thì chúng ta có thiết bị 5G Việt Nam, chắc chắn chất lượng tốt, giá rẻ hơn và tiết kiệm chi phí cho nhà mạng” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Quy hoạch báo chí hoàn thành trong 2020
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Minh Tuấn (đoàn BR-VT) đề nghị cho biết kết quả quy hoạch báo chí và giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hết năm 2020 sẽ thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí và Bộ quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Cụ thể, tháng 4/2019, Thủ tướng ký quy hoạch thì tháng 6 cùng năm, Bộ TT-TT triển khai. Từ tháng 8 Bộ cùng Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với từng cơ quan chủ quản báo chí và cơ quan báo chí.
Tháng 6/2020, Bộ có báo cáo sơ kết 1 năm thực hiện quy hoạch. Theo đó, 33 tổ chức hội có cơ quan báo, tạp chí thì đã quy hoạch xong. Ở bộ ngành có 13/29 cơ quan phải triển khai quy hoạch và hiện còn 2 cơ quan đã có phương án nhưng chờ hồ sơ cấp phép. 31/63 địa phương thuộc diện phải quy hoạch thì còn chỉ 1 địa phương, cũng chờ cấp phép.
“Lộ trình hết năm nay thực hiện xong 100% quy hoạch báo chí” – ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đồng thời nhấn mạnh sau quy hoạch còn nhiều công việc khác như xây dựng cơ quan báo chí chủ lực, chính sách hỗ trợ báo chí.../.