Về vấn đề thiết chế Hội đồng Y khoa Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, về vấn đề thiết chế hội đồng y khoa. Một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề.
Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề
Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện. Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, thực tiễn tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời, kế thừa Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Việc quy định giao Hội đồng Y khoa tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nghị quyết đã quy định "đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu, kể cả về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, tổ chức thi cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp với thông lệ quốc tế".
Trên thực tế, mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia này đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề. Vì vậy, đã sẵn sàng cho việc đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình đã được xác định trong dự thảo luật. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia để thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo luật chỉ quy định về mặt nguyên tắc, về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định là cụ thể, là phù hợp.
"Về thời hạn, có những ý kiến các đại biểu có nói là trong dự thảo luật có một số mốc, ví dụ như 2027, 2029 và 2032, chúng tôi xin báo cáo giải trình cụ thể nội dung này như sau, mốc năm 2027 áp dụng đối với việc đào tạo y sĩ để đảm bảo có thời gian cho các cơ sở đào tạo thay đổi hình thức đào tạo cũng như đảm bảo cho người đang học theo trình độ y sĩ hiện nay vẫn được sử dụng.
Đối với mốc năm 2029, việc kiểm tra, đánh giá năng lực đối với các chức danh bác sĩ để đảm bảo học gì, thi đó, chúng ta cũng có đủ thời gian một khóa các em học sinh theo chương trình đào tạo và đánh giá năng lực mới đáp ứng được yêu cầu để cố gắng tránh có những việc thay đổi chính sách mang tính chất sốc, có lộ trình thay đổi phù hợp.
Đối với mốc năm 2032, áp dụng đối với việc kiểm tra, đánh giá năng lực đối với các chức danh còn lại để đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Việc sử dụng ngôn ngữ để bảo đảm ổn định trong việc sử dụng nhân lực là người nước ngoài đang làm việc tại các cơ sở y tế cũng được áp dụng với mốc năm 2032", Bộ trưởng Bộ Y tế giải trình.
Liên quan đến vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, theo Bộ trưởng Bộ Y tế, suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.
Suy dinh dưỡng có thể gặp ở tất cả các đối tượng, lứa tuổi nhưng thường xảy ra phổ biến ở trẻ em sinh sống ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người cao tuổi, người bị suy kiệt do mắc bệnh mãn tính, người phải điều trị bệnh phức tạp kéo dài. Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng, căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng của mỗi người bệnh, việc điều trị thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, vitamin, chất đạm, chất béo, chất đường là các axit amin, protein, lipit, gluco, gluxit.
Hiện nay, Quỹ BHYT đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại Thông tư số 30 từ năm 2018. Bộ Y tế nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh, chữa bệnh nên dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết trong phạm vi của luật này và để đảm bảo cân đối với các điều khoản khác cũng như đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì quy định như Điều 65 của dự thảo luật là phù hợp.
Phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật
Về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân tuyến chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện tại, dự thảo luật đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.
Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật. Trong dự thảo đã cụ thể đó là khám, chữa bệnh ban đầu, cơ bản và chuyên sâu theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 20 và Nghị quyết số 19 của Ban Chấp hành Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về việc phân cấp này cũng như quy định các danh mục kỹ thuật tối thiểu mà mỗi cấp khám, chữa bệnh bắt buộc phải cung cấp dịch vụ.
Việc phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ được thiết lập hệ thống chuyển tuyến theo cấp độ chuyên môn và bảo đảm sự kết nối trong cung ứng dịch vụ giữa các cấp chăm sóc. Phương án này cũng tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển cơ sở y tế, đảm bảo tính liên thông, liên tục trong khám bệnh, chữa bệnh trong các cơ sở, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập hiện nay liên quan đến cách thức, tiêu chí phân hạng bệnh viện cũng như khắc phục được tính bất cập liên quan đến vấn đề thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến./.