Bộ trưởng Biến đối khí hậu và Năng lượng của Australia Chris Bowen hôm qua (23/10) ra thông báo về việc Australia sẽ cùng với 122 quốc gia khác trên thế giới tự nguyện tham gia Cam kết metan toàn cầu nhằm đạt được mục tiêu vào năm 2030 sẽ cắt giảm 30% khí metan so với mức của năm 2020.

Bộ trưởng Bowen cho biết metan chiếm 24% lượng khí thải nhà kính mà Australia thải ra mỗi năm và nước này cũng đứng thứ 11 thế giới về việc thải ra nhiều khí meta vì vậy việc cắt giảm khí metan là rất quan trọng, giúp Australia cùng với các quốc gia khác tìm ra giải pháp nhằm làm chậm lại quá trình nóng lên của trái đất.

Để đạt được mục tiêu này, Australia sẽ cắt giảm khí metan trong ngành năng lượng, rác thải và cả ngành nông nghiệp. Trong đó, ngành nông nghiệp là lĩnh vực thải nhiều khí metan nhất với gần 1 nửa lượng khí metan, tiếp đó là các lĩnh vực liên quan đến tài nguyên thải ra 29% khí metan và rác thải thải ra 10% khí metan mỗi năm tại Australia.

Việc cắt giảm khí metan trong ngành nông nghiệp là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn khi người nông dân Australia lo ngại cam kết này sẽ khiến người nông dân phải gánh thêm các khoản thuế, thu nhỏ đàn gia súc và khiến cho giá thành các sản phẩm liên quan đến gia súc tăng giá.

Để trấn an lo ngại của người nông dân, Bộ trưởng Biến đối khí hậu và Năng lượng Chris Bowen cho biết Cam kết metan toàn cầu không chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và không yêu cầu thu nhỏ đàn gia súc, vì vậy Australia sẽ tập trung vào công nghệ để đạt được mục tiêu này. Cụ thể, Australia sẽ đầu tư 3 tỷ AUD để phát triển các công nghệ giảm phát thải và giảm khí metan; 8 triệu AUD vào ngành công nghiệp tảo biển để nghiên cứu sản xuất thức ăn chăn nuôi khí thải thấp; 5 triệu AUD để phát triển công nghệ cung cấp các chất bổ sung cho thức ăn nhằm làm giảm lượng khí thải của gia súc...

Bên cạnh đó, chính phủ Australia cũng cam kết sẽ không pháp điển hóa, không đánh thuế và áp đặt các nghĩa vụ để đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải trong ngành chăn nuôi gia súc./.