Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Trần Đại Quang nêu rõ: Trong những năm qua, Bộ Công an và Hội đồng dân tộc của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả trong hoạt động thẩm tra, giám sát quá trình xây dựng, thực hiện các dự án luật, pháp lệnh về bảo đảm an ninh trật tự; phối hợp tham mưu, kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ ban hành luật, pháp lệnh và chính sách về dân tộc, giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; tăng cường trao đổi thông tin và triển khai các biện pháp công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số...
Thời gian tới, nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự, hoạt động thẩm tra, giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh đặt ra hết sức nặng nề, đòi hỏi ngành Công an và Hội đồng dân tộc của Quốc hội phải tiếp tục đổi mới các mặt công tác, tăng cường phối hợp với các ngành, các địa phương để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo Bộ trưởng, việc ký kết Quy chế phối hợp sẽ tạo cơ sở pháp lý quan trọng để hai cơ quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc: Xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm có liên quan đến vấn đề dân tộc; Kiến nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ các vấn đề về công tác dân tộc, chính sách dân tộc có liên quan đến bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; Giám sát, khảo sát việc thực hiện pháp luật, công tác dân tộc, chính sách dân tộc; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội miền núi và vùng dân tộc thiểu số gắn với công tác bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm; Trao đổi thông tin giúp cho việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; Xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số./.