Sáng 2/11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về tình hình 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII (nhiệm kỳ 2010-2015) và Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.
Đồng chí Huỳnh Văn Tý, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận báo cáo với Bộ Chính trị. |
Báo cáo với Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Huỳnh Văn Tý nêu rõ: 3 năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đang đứng trước những triển vọng tốt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,82%/năm. Sản xuất công nghiệp căn bản được duy trì, có thêm một số sản phẩm mới. Hoạt động dịch vụ - du lịch phát triển khá qua hàng năm, lượng du khách ngày càng tăng lên. Kinh tế nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện và rõ rệt theo hướng sản xuất hàng hóa. Mô hình khai thác hải sản xa bờ gắn với dịch vụ hậu cần, chế biến trên biển, kết hợp với bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Hoạt động văn hóa - xã hội có những chuyển biến tiến bộ. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện khá tốt, đào tạo nguồn nhân lực được quan tâm nhiều hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1,5%/năm. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị từng bước được nâng lên. Công tác xây dựng Đảng tiếp tục được đổi mới và có một số chuyển biến tiến bộ.
Tại buổi làm việc, tập thể Bộ Chính trị, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã thảo luận cho ý kiến về những kết quả đạt được, những hạn chế, vướng mắc; những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp; các kiến nghị, đề xuất của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi làm việc |
Thay mặt Bộ Chính trị kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Bình Thuận là tỉnh có vị trí địa chính trị, kinh tế và quốc phòng- an ninh khá quan trọng trong khu vực duyên hải cực Nam Trung bộ, là cửa ngõ giao thương với các tỉnh trong vùng kinh tế động lực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên; có tiềm năng lớn về năng lượng, khoáng sản, nông- lâm- thủy sản và dịch vụ du lịch. Đặc biệt, Bình Thuận là một trong ba địa phương có ngư trường lớn nhất cả nước, là địa bàn quan trọng trong khu vực phòng thủ.
Bộ Chính trị lưu ý bên cạnh kết quả được, tỉnh Bình Thuận còn một số hạn chế: kinh tế của tỉnh tăng trưởng chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế có được, có mặt thiếu vững chắc, sức cạnh tranh của phần lớn doanh nghiệp và sản phẩm lợi thế, chủ lực của tỉnh còn yếu. Hệ thống kết cấu hạ tầng vừa thiếu, vừa yếu kém, bất cập. Chưa phát huy được thuận lợi trong mối liên kết vùng và các tỉnh xung quanh.
Bộ Chính trị cơ bản tán thành phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp và các chương trình mà tỉnh Bình Thuận đề ra tới năm 2020. Tổng Bí thư đề nghị tỉnh Bình Thuận tiếp tục nhận rõ những thách thức, thuận lợi, thời cơ, khó khăn trong thời gian sắp tới; nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của Bình Thuận để “vừa có sức thu hút, vừa có sức lan tỏa trong khu vực”.
Trên cơ sở đó, khai thác tối đa, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của Bình Thuận, phấn đấu đến năm 2020, tỉnh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu đã đề ra; có cơ cấu kinh tế phù hợp: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với 3 trung tâm mang tầm quốc gia: Trung tâm năng lượng (điện gió, điện khí, điện mặt trời), trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan, trung tâm du lịch- thể thao biển; có đủ kết cấu hạ tầng- xã hội thiết yếu, tương đối đồng bộ, liên thông với khu vực và cả nước; bảo vệ môi trường tốt; quốc phòng – an ninh được bảo đảm vững chắc; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Bình Thuận thực hiện các biện pháp tích cực, đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư khai thác có hiệu quả các tiềm năng và lợi thế. Trong công nghiệp, bên cạnh đẩy mạnh chế biến nông- lâm- thủy sản, cần tập trung khai thác tiềm năng năng lượng, trước mắt thúc đẩy triển khai các dự án điện gió, khí điện, khai thác ti tan. Đẩy mạnh phát triển du lịch là thế mạnh của tỉnh gắn với bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm văn hóa độc đáo, đặc sắc của Bình Thuận. Trong nông lâm ngư nghiệp, đề nghị phát triển một cách toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, sử dụng hợp lý diện tích đất trồng lúa, phát huy giá trị của các sản phẩm đã có thương hiệu; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chú trọng kinh tế biển, xây dựng đảo Phú Quý vững mạnh cả về kinh tế và quốc phòng.
Tổng Bí thư lưu ý: Bình Thuận cần tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 4. Đây là việc làm thường xuyên, liên tục trong nhiệm kỳ này và các nhiệm kỳ tiếp theo; chấn chỉnh những yếu kém, sửa chữa cho được những yếu kém, khuyến điểm qua đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình vừa qua. Cùng với nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng con người và tổ chức, tăng cường niềm tin trong nhân dân là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo cho phát triển bền vững, lâu dài.
Về các đề xuất kiến nghị của tỉnh, Bộ Chính trị cơ bản đồng ý về chủ trương, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội, các bộ, ban ngành Trung ương tiếp tục ủng hộ, phối hợp xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Sau buổi làm việc này, Bộ Chính trị sẽ có Kết luận về tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XII, nhiệm kỳ 2010-2015 và một số chủ trương phát triển tỉnh Bình Thuận đến năm 2020./.