Việc Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ công chức và Luật Viên chức, trong đó quy định ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn với các viên chức mới được tuyển dụng từ thời điểm 1/7/2020 (trừ viên chức hoạt động ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo…), đã nhận được sự đồng tình của giới trẻ, song cũng khiến không ít bạn trẻ băn khoăn. 

quoc_hoi_bieu_quet_oqcl_hgwy.jpg
Với 426/454 đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức chiều 25/11. (ảnh chụp màn hình)

Bạn Phạm Thu Hà, sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) cho rằng, chủ trương bỏ “biên chế suốt đời” là một chủ trương đúng đắn và phù hợp với thực tế để thanh lọc cán bộ, viên chức, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và phát huy tối đa năng lực của người lao động. Đây cũng là cơ hội tốt để đánh giá, đào thải đội ngũ công chức, viên chức không làm tốt vai trò “công bộc” của nhân dân. 

“Trước kia, bước chân được vào cơ quan Nhà nước là yên tâm ở đó đến lúc về, chẳng ai đuổi được. Nhưng với quy định mới vừa được thông qua, ai không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao thì không thể mãi “yên vị”. Đó cũng là cơ hội để các bạn trẻ khác có năng lực bước vào thay thế, nâng cao hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, viên chức”, bạn Thu Hà nói.

Tuy nhiên, anh Lê Thanh Hải, một cán bộ trẻ ở một tỉnh miền núi phía Bắc cho rằng, cán bộ viên chức cũng cần có một môi trường ổn định để yên tâm công tác. Song, không phải cứ “làm công ăn lương” là có quyền “cắm chốt” để giữ “ghế”, không có nghĩa là yên tâm với “viên chức suốt đời”. Vẫn cần phải thanh lọc thường xuyên, có cơ chế để đào thải những người không đáp ứng được công việc, tránh nể nang, cảm tính.

Anh Tạ Quốc Long (43 tuổi, Hà Nội), đang giảng dạy tại một trường Đại học dân lập ở Hà Nội, cho rằng việc ký hợp đồng có thời hạn đối với viên chức kể từ 1/7/2020 đảm bảo sự công bằng giữa khối làm việc trong và ngoài nhà nước, bởi khối làm ngoài nhà nước cũng đang phải tuân thủ quy định của hợp đồng lao động, tức là không có khái niệm về cái gọi là “hợp đồng lao động hết đời”… Do vậy, việc ký hợp đồng có xác định thời hạn đảm bảo tính cạnh tranh, kích thích sự phát triển cũng như khả năng lao động, đòi hỏi người lao động phải sáng tạo, phải chủ động.

Nguyễn Hường, sinh viên năm cuối Khoa Giáo dục tiểu học, trường Đại học Thủ đô Hà Nội, lại cho rằng việc bỏ “biên chế suốt đời” đối với viên chức sẽ không ảnh hưởng quá lớn khi bạn đã có định hướng phát triển ở môi trường tư trong tương lai.

“Là một giáo viên tiểu học, được trải nghiệm trong những ngày tháng thực tập, tôi cảm thấy môi trường tư giúp mình phát triển hơn về rất nhiều mặt, không chỉ chuyên môn mà còn kỹ năng”, Hường chia sẻ.

Đồng tình với quy định mới, Nguyễn Thuỳ Linh - sinh viên năm cuối khoa sư phạm văn, trường Đại học sư phạm Thái Nguyên, chia sẻ: “Bây giờ các giáo viên hợp đồng cũng rất nhiều và mình nghĩ nếu bỏ biên chế suốt đời sẽ tạo ra sự cạnh tranh trong làm việc, vì ai có năng lực sẽ được giữ lại làm việc, những người không có năng lực sẽ bị đào thải”.

PGS.TS Ngô Thành Can (Ảnh: Bình Minh)

PGS.TS Ngô Thành Can (Học viện Hành chính Quốc gia) chia sẻ, viên chức là đối tượng được tuyển dụng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Do vậy, việc ký hợp đồng có thời hạn hay không có thời hạn, thực tế là anh vẫn làm cho đơn vị sự nghiệp, vẫn cống hiến, vẫn phục vụ. Chỉ có khác là khi mình không có khả năng, không đáp ứng được yêu cầu của công việc, của cơ quan, đơn vị hoặc bản thân không thích làm việc trong môi trường Nhà nước nữa thì có thể dễ dàng thôi việc, việc giải quyết cũng nhanh gọn hơn, chứ không phức tạp, khó khăn như trước đây. 

Theo ông Ngô Thành Can, khi chúng ta tuyển dụng viên chức theo hệ thống việc làm, ưu điểm của cách làm này là đặt ra những quy định, quy chuẩn để tuyển dụng được những người có năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc, thải loại những người không phù hợp. Tuy nhiên, đi kèm với những yêu cầu về năng lực mà không có chế độ đãi ngộ phụ hợp thì những người có năng lực có thể sẽ không chọn con đường gắn bó với cơ quan Nhà nước. 

Như vậy có nghĩa, khi chúng ta thực hiện theo quy định mới, Nhà nước sẽ phải dần  xây dựng những chính sách mới để phù hợp với quy định mới này, ví như chính sách phát hiện, tuyển dụng, đào tạo bồi dưỡng, chế độ với người tài năng cùng với nhiều chính sách khác để những người sử dụng lao động trong các đơn vị sự nghiệp có đủ các công cụ có thể tuyển dụng, giữ chân những người giỏi. Nếu vẫn giữ nguyên cách làm cũ thì thật khó để giữ chân người giỏi. Cùng với việc thay đổi chính sách để thu hút, Nhà nước còn có lợi thế hơn hẳn đó là sự tự hào của người lao động, bởi làm việc ở đó, họ có cảm giác được đóng góp công sức trực tiếp cho sự phát triển của khu vực công.

Đặc biệt, theo PGS TS Ngô Thành Can, đối với khu vực công, để giữ chân người giỏi, chúng ta cần có một hệ thống các quy định đồng bộ để những người có năng lực, chuyên môn hào hứng muốn vào và muốn gắn bó lâu dài; người ta được đóng góp tài năng và đặc biệt có mức thu nhập đủ để họ thoải mái, tự nguyện cống hiến. 

“Chỉ tập trung vào tinh thần, đến một lúc nào đó họ cũng nản; ngược lại chỉ tập trung vào vật chất, mà không quan tâm động viên, khuyến khích, ghi nhận những đóng góp cũng như vai trò của họ, họ cũng sẽ chán. Như vậy là hệ thống này cần có sự phối hợp đồng bộ tạo được động lực cũng như tạo dựng được một môi trường làm việc tốt cho người lao động”, ông Ngô Thành Can nhấn mạnh./.