UBND tỉnh Kon Tum vừa tổ chức Hội nghị tổng kết công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng năm 2020; triển khai nhiệm vụ năm 2021 và các năm tiếp theo. Ông Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum chủ trì Hội nghị.

Thông tin tại Hội nghị cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng của tỉnh Kon Tum đã phát hiện 324 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp với khối lượng gỗ vi phạm trên 1.100m3 gỗ tròn, quy tròn các loại và diện tích rừng thiệt hại trên 43ha. So với cùng kỳ năm ngoái giảm 65 vụ vi phạm, giảm trên 2.000m3 gỗ tròn, quy tròn các loại. Tuy nhiên diện tích rừng thiệt hại tăng trên 24ha. Địa bàn để xảy ra tình trạng vi phạm lâm luật nhiều nhất là huyện Kon Plông với 69 vụ.

Nguyên nhân chủ quan dẫn tới tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép được tỉnh Kon Tum xác định do năng lực tổ chức, điều hành và tinh thần trách nhiệm của một số chủ rừng còn hạn chế, yếu kém; lực lượng bảo vệ rừng một số nơi còn buông lỏng quản lý, che giấu vi phạm, có dấu hiệu tiếp tay cho hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp; công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, quản lý hành chính ở một số xã còn hạn chế; không phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời phương tiện ra vào địa bàn khai thác, mua bán, cất giấu, vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép; công tác tuyên truyền, vận động người dân trong sản xuất nương rẫy chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt dẫn đến tình trạng phá rừng trái pháp luật vẫn xảy ra.

Để quản lý bảo vệ gần 549.000ha rừng tự nhiên, trên 61.600 ha rừng trồng hiện có và trong 5 năm tới trồng lại được 15.000ha rừng trong số 170.000ha rừng của tỉnh đã bị mất, theo Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, phải quy trách nhiệm cụ thể cho từng cấp ủy, đơn vị, địa phương, chủ rừng và xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Ông Dương Văn Trang đề nghị: “Tất cả các cấp ủy phải thường xuyên liên tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý bảo vệ rừng có hiệu lực, hiệu quả hơn và người đứng đầu cấp ủy trực tiếp chỉ đạo, nếu còn nhiều hạn chế thì người đứng đầu cấp ủy đó phải chịu trách nhiệm trước tiên. UBND tỉnh, UBND huyện, UBND xã, các chủ rừng được giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng phải xây dựng kế hoạch, phải chỉ đạo quản lý kiểm tra thường xuyên, liên tục. Nếu để xảy ra vi phạm nhiều phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy. Xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm quy định khi thực thi nhiệm vụ trong công tác quản lý bảo vệ rừng”./.