Ngày 17/2, Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc. 

vov_tay_bac_2_gbvr.jpg
Ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Tây Bắc
Vùng Tây Bắc hiện có trên 11 triệu dân với 32 dân tộc anh em chung sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 62%. Địa bàn Tây Bắc được triển khai nhiều chính sách dân tộc như: Chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, về y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, trợ giúp pháp lý, sắp xếp ổn định dân cư… Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.

Hiện nay, 100% xã trong vùng đã có đường ô tô đến trung tâm, trên 90% hộ gia đình có điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Riêng năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo trong vùng giảm thêm 3,4%; công tác dân tộc, tôn giáo tiếp tục thực hiện có hiệu quả. 

Tuy nhiên, Tây Bắc vẫn là vùng kinh tế - xã hội khó khăn nhất nước, kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng; tình trạng di cư tự do vẫn diễn ra. Từ thực tế đó, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đề nghị với Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có ý kiến với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về một số chính sách dân tộc trong thời gian tới như: Tập trung đào tạo nguồn lực cho các địa phương, gắn với giải quyết việc làm; ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là giao thông gắn kết các bản làng, gắn kết từ xã với tỉnh lộ, quốc lộ; triển khai xây dựng Luật Dân tộc...

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội đánh giá cao những đóng góp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc đối với sự ổn định và phát triển của vùng thời gian qua. Đồng thời, đề nghị Ban chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục thực hiện tốt vai trò là "cánh tay nối dài" của Bộ Chính trị, của Trung ương Đảng đối với sự phát triển của vùng trong thời gian tới.

Ông Hà Ngọc Chiến đề nghị: “Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tiếp tục tăng cường các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Rà soát, đánh giá hiệu quả chính sách đối với miền núi, dân tộc trong giai đoạn 2011 – 2015 để đề xuất trung hạn 2016 -2020. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách lớn, trọng tâm là 135, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Quan tâm đề xuất các chính sách về nguồn lực cũng như về cán bộ dân tộc”./.