Sáng 14/3, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Nội vụ và Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

hoi_nghi_1_kxjk.jpg
Hội nghị đánh giá việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ Lê Vĩnh Tân và Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam. Hội nghị được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Trong 2 năm việc triển khai đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân đã được thí điểm tại 10 địa phương gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đắk Lắk, Tây Ninh và Cà Mau; có 4 Bộ, ngành và 32 tỉnh, thành chủ động trên cơ sở tham khảo hướng dẫn Bộ Nội vụ triển khai đánh giá độ hài lòng của người dân với tổ chức hành chính công cấp xã, phường, cấp tỉnh.

Kết quả triển khai đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức được thể hiện dưới dạng các chỉ số phản ánh chất lượng giải quyết thủ tục hành chính và các chỉ số phản ánh mức độ hài lòng của người dân, tổ chức. Các chỉ số hài lòng của 6 thủ tục nằm trong khoảng 70-90%.

Tuy nhiên, tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá, phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân chưa thống nhất. Cách thức tổ chức triển khai và cách thức phản ánh, sử dụng kết quả đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức của các bộ, ngành, địa phương còn chưa khoa học, thiếu thống nhất, không phản ánh hết được thực trạng của nền hành chính. Khá nhiều địa phương chưa đưa vào sử dụng kết quả đo lường sự hài lòng; chưa thông tin, phản hồi kết quả đo lường sự hài lòng công khai tới người dân, tổ chức.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần xác định phương pháp chung thống nhất được áp dụng cả nước để đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân của các tổ chức, đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh phải hướng tới việc hình thành phương pháp đánh giá sự hài lòng của người dân thống nhất trong cả nước. Việc đánh giá sự hài lòng được triển khai hằng năm tại tất cả các tỉnh, thành phố, tất cả các bộ ngành. Mỗi lĩnh vực có hàng trăm lĩnh vực, do đó phải có lộ trình, các địa phương cùng làm, từ ít đến nhiều, đảm bảo chất lượng, hướng đến năm 2020 trả lời được bao nhiêu phần trăm hài lòng với dịch vụ của các ngành, các địa phương.

Ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ: “Người dân là người bầu ra hệ thống chính quyền các cấp, họ có quyền được hưởng những dịch vụ mà hệ thống chính quyền theo Hiến pháp, Luật pháp cam kết đem lại; họ cũng là người thực hiện giám sát cơ quan nhà nước”.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận Hội nghị
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, mặc dù nguồn lực của các bộ, ngành, địa phương hạn chế; việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức là một việc mới, khó, đòi hỏi có sự ủng hộ, tham gia của người dân, tổ chức nhưng đã được một số bộ, ngành và nhiều địa phương tích cực, nghiêm túc triển khai.

Phó Thủ tướng đề nghị, việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước phải được triển khai đồng bộ, đi vào nề nếp, thực sự là thước đo kết quả triển khai cải cách hành chính nói chung và cải cách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức nói riêng của các bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và một số chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, xây dựng, phê duyệt đề án đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ cơ quan hành chính nhà nước trong giai đoạn 2016-2020.

Trong đó chú ý nghiên cứu đề xuất chuẩn hóa các hình thức, công cụ hiệu quả, ít tốn kém để áp dụng mở rộng các thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực, ngành nghề địa phương để đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp và tổ chức.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về nội dung, kết quả triển khai đo lường sự hài lòng đến mọi người dân, tổ chức, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, để nâng cao nhận thức và tăng cường sự tham gia của các đối tượng, giúp việc triển khai đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức trong thời gian tới thực sự hiệu lực, hiệu quả.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam các cấp tiếp tục quan tâm, phối hợp trong việc chỉ đạo, triển khai, giám sát đối với việc đo lường sự hài lòng của người dân. Đồng thời coi nội dung này là nhiệm vụ công tác phối hợp hàng năm giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với Chính phủ./.