Sáng 9/7, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh-Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị thể hiện, 6 tháng đầu năm nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế nước ta nói chung, vùng Tây Nam Bộ nói riêng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, các tỉnh Tây Nam Bộ đã thực hiện tốt các mục tiêu, yêu cầu giữ vững ổn định chính trị - xã hội và đạt được nhiều kết quả trong việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ước đạt từ 8,5-9%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,6% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất đạt trên 223.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 19.300 tỷ đồng.
Trong bối cảnh sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn, các doanh nghiệp đã chủ động tìm thị trường, cơ cấu lại tổ chức và thúc đẩy sản xuất phù hợp với tình hình.
Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, thế mạnh so sánh của ĐBSCL cũng đã có những bước đi phù hợp, trong đó, diện tích thực hiện cánh đồng lớn và cánh đồng liên kết tòan vùng là 134.000 ha, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các lĩnh vực văn hóa xã hội, công tác dân tộc-tôn giáo được quan tâm thực hiện; tình hình an ninh, trật tự trên tuyến biên giới ổn định, chủ quyền biên giới được giữ vững.
Tại hội nghị, đại diện một số Bộ, ngành Trung ương và một số địa phương trong khu vực cũng đã nêu rõ tuy có những điểm sáng nhưng nhìn chung khu vực ĐBSCL vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn và tăng trưởng tín dụng còn nhiều vấn đề phải giải quyết để tháo gỡ.
Việc tái cơ cấu kinh tế còn chậm chưa đạt yêu cầu đặt ra. Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, việc trúng mùa, mất giá diễn ra thường xuyên…
Riêng về lĩnh vực đầu tư hạ tầng giao thông và những công trình trọng điểm trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu rõ: “Hiện nay, chúng tôi đang triển khai xây Cầu Cổ Chiên. Đây là cây cầu lớn vốn 2.300 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước 1000 tỷ đồng. Theo kế hoạch tháng 7/2015 cầu sẽ hoàn thành, tuy nhiên hiện đang vướng về vốn. Đến nay mới bố trí được 40 tỷ đồng thôi. Một lần nữa kiến nghị Phó Thủ tướng có hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn bởi sắp tới sẽ tập trung nhiều hơn nữa. Gỡ khó để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ”.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ nêu rõ tuy có bước phát triển nhưng nhìn chung, toàn vùng ĐBSCL vẫn còn tồn tại một số khó khăn hạn chế như hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ.
Nhiều dự án triển khai còn chậm do thiếu vốn, sản xuất chưa bền vững, tiêu thụ hàng hóa nông sản còn nhiều khó khăn làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ không thay đổi định hướng điều hành, không điều chỉnh mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Chính vì thế, các địa phương trong vùng ĐBSCL cần có sự nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu ở mức cao nhất.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cần gắn sát hơn nữa với các Bộ, ban ngành để nhanh chóng thông qua đề án liên kết vùng, các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp các địa phương, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đồng thời với đó, phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương tổ chức tốt Diễn đàn hợp tác đầu tư vùng ĐBSCL tại Sóc Trăng; tăng cường quan hệ đối ngoại để kêu gọi, thu hút đầu tư, triển khai các chương trình nghiên cứu khoa học trên địa bàn.
Mặt khác, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, vùng ĐBSCL cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp.
Liên quan đến việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển chủ quyền của nước ta, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu các địa phương trong vùng quán triệt rõ quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước để chủ động thực thi chính sách phát triển kinh tế. Đồng thời, các địa phương cần xúc tiến mở rộng thị trường bởi Việt Nam còn có quan hệ kinh tế với hơn 200 thị trường khác và đang nỗ lực mở rộng đàm phán với nhiều khu vực kinh tế quan trọng của thế giới./.