Ngày 14/6, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc đã diễn ra tại TP Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc theo đề xuất của ASEAN khi các Bộ trưởng Ngoại giao thảo luận về vấn đề Biển Đông tại Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (tháng 2/2016).

Hội nghị dưới sự đồng chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan đã tập trung thảo luận hai nội dung chính là quan hệ ASEAN – Trung Quốc và vấn đề Biển Đông. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.

hoi_nghi_dac_biet_bo_truong_jghr.jpg
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Trung Quốc đã diễn ra tại TP Ngọc Khê, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Về quan hệ ASEAN – Trung Quốc, hai bên bày tỏ vui mừng với những tiến triển quan trọng trong hợp tác hai bên, nhất là kết quả triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện Tuyên bố chung về Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc, trong đó có việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA). Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN với giá trị thương mại hai chiều năm 2015 đạt 470 tỷ USD. Hai bên đã nhất trí phấn đấu mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1.000 tỷ USD vào năm 2020.

Các Bộ trưởng đã thảo luận phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội và hợp tác phát triển; nhất trí triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động 2016-2020; tích cực phối hợp tiến hành các hoạt động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại trong năm 2016, nhất là chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN – Trung Quốc vào tháng 9/2016 tại Vientiane, Lào, trong đó có việc soạn thảo Tuyên bố chung cấp cao kỷ niệm và Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về hợp tác nâng cao năng lực sản xuất; tăng cường phối hợp và hợp tác thông qua các cơ chế của ASEAN nhằm xử lý những thách thức chung, góp phần duy trì hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, kể cả ở Biển Đông.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc; bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế.

Các Bộ trưởng đã thảo luận phương hướng và biện pháp tiếp tục thúc đẩy hợp tác hai bên trên tất cả các lĩnh vực, bao gồm chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa – xã hội
Trước tình hình phức tạp đó, các Bộ trưởng đề nghị ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa.

Các Bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hình thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hai bên hoan nghênh kết quả của cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12 về thực hiện DOC vừa qua tại Hạ Long, Quảng Ninh; tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy và thúc đẩy hợp tác chung trên thực tế, quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, nhất là tăng cường trao đổi để có những tiến triển thực chất trong việc thực hiện DOC và xây dựng COC.

Các Bộ trưởng cũng nhất trí sớm hoàn tất Dự thảo Tuyên bố về cam kết thực hiện Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển để trình Hội nghị cấp cao kỷ niệm thông qua cũng như vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao về xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông.

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam và ASEAN hết sức coi trọng quan hệ với Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương; hoan nghênh các kết quả hợp tác hai bên trong thời gian qua đồng thời đề xuất định hướng đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới, cụ thể là: thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động 2016-2020, kể cả huy động nguồn lực phù hợp để thực hiện; tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, môi trường và biến đổi khí hậu, nông nghiệp, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước, nhất là ở tiểu vùng sông Mê Kông; tăng cường phối hợp trong xử lý các thách thức an ninh chung ở khu vực, kể cả ở Biển Đông; tích cực triển khai các hoạt động kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại ASEAN – Trung Quốc, nhất là chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao kỷ niệm dự kiến vào tháng 9-2016 tại Lào.

Về Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng như hòa bình, an ninh khu vực; đã chứng kiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực, các nước từng đạt những kết quả tích cực trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông và những hệ lụy nghiêm trọng của chúng; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác để xử lý vấn đề Biển Đông, tuân thủ những cam kết bằng những hành động cụ thể, nhất là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, nhất là không quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC; đề nghị ngừng các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy để có những tiến triển trong đàm phán song phương về phân định trên biển./.