Chiều 10/6, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã tổ chức họp báo công bố Nghị quyết về kết quả bầu cử và danh sách những người trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV.
Ông Bùi Văn Cường – Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia cho biết, theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, tổng số cử tri cả nước là 69.523.133 cử tri; tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 69.243.604 cử tri (đạt tỷ lệ 99.6% cử tri đi bầu).
So với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tổng số cử tri của cuộc bầu cử lần này nhiều hơn 2.037.651 cử tri và số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu cũng nhiều hơn 2.194.513 cử tri, tỷ lệ cử tri đi bầu cao hơn 0,25% so với nhiệm kỳ trước.
Trong đó, đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở Trung ương giới thiệu có 194 người trúng cử; Đại biểu do các cơ quan, tổ chức ở địa phương giới thiệu có 301 người trúng cử; Số đại biểu hoạt động chuyên trách ở Trung ương trúng cử là 126 người; số đại biểu hoạt động chuyên trách ở địa phương trúng cử là 67 người.
Kỳ này có 9 người tự ứng cử và 4 người trúng cử, gồm: Ông Hoàng Văn Cường (Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân), ông Nguyễn Anh Trí (Chủ tịch Hội huyết học và truyền máu Việt Nam), ông Trương Trọng Nghĩa (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM), bà Khương Thị Mai (Giám đốc điều hành Công ty TNHH nhôm Namsung Việt Nam).
Về cơ cấu kết hợp: Đại biểu là phụ nữ: 151 người (tỷ lệ 30,26% trong tổng số người trúng cử); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 89 người (tỷ lệ 17,84%); đại biểu trẻ dưới 40 tuổi: 47 người (tỷ lệ 9,42%); đại biểu là người ngoài Đảng: 14 người; đại biểu khóa XIV tái cử hoặc đã từng là ĐBQH các khóa trước: 203 người (tỷ lệ 40,68%); đại biểu lần đầu tham gia Quốc hội: 296 người (tỷ lệ 59,32% trong tổng số người trúng cử).
Về trình độ chuyên môn: trên đại học: 392 người (tỷ lệ 78,55% trong tổng số người trúng cử (trong đó: Tiến sĩ: 144 người, Thạc sĩ: 248 người); đại học: 106 người (21,24%); dưới đại học: 01 người (tỷ lệ 0,20%). Về học hàm: Giáo sư: 12 người, Phó Giáo sư: 20 người.
Với kết quả nêu trên cho thấy, cơ cấu thành phần ĐBQH khóa XV đã giảm đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Tuy tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách chưa đạt 40% so với quy định nhưng lần đầu tiên trong các nhiệm kỳ Quốc hội, tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách trúng cử cao, đạt 38,6% tổng số ĐBQH.
Ông Bùi Văn Cường cho biết, trong quá trình hoạt động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, điều chỉnh để bảo đảm tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách đạt 40%.
Các cơ cấu kết hợp như tỷ lệ đại biểu trẻ tuổi, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu tái cử đều đạt hoặc vượt so với chỉ tiêu đặt ra. Đặc biệt, cũng lần đầu tiên từ nhiệm kỳ Quốc hội khoá VI trở lại đây, tỷ lệ đại biểu Quốc hội là phụ nữ đạt trên 30% - cao nhất từ khoá VI đến nay. Trình độ chuyên môn của những người trúng cử ĐBQH khóa XV cao hơn so với nhiệm kỳ trước (tỷ lệ trên đại học đạt 78,56%, cao hơn 16% so với khóa XIV)./.